Là vùng đất mang trong mình hai Di sản thế giới gồm di sản văn hóa Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) và di sản thiên nhiên Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, cùng với hành trình lịch sử, bối cảnh kinh tế - xã hội xưa và nay đã giúp vùng đất này hội tụ nhiều tiềm năng, tài nguyên và cơ hội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.
Tour du lịch khám phá rừng dừa nước tại Làng tre dừa Cẩm Thanh
Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình (Trung tâm) TP Hội An là đơn vị được UBND TP Hội An giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng với các bên liên quan để xây dựng hồ sơ tham gia ứng cử Mạng lưới UCCN theo Kế hoạch xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” do Bộ VHTTDL chủ trì. Với bề dày lịch sử, vùng đất Hội An xưa và nay luôn là nơi hội tụ nhiều tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú, cũng như các tài nguyên thiên nhiên môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học… Trong lịch sử hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An xưa thì các nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian luôn giữ một vai trò quan trọng. Đó là kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo của các lớp cư dân kế tục nhau cư trú trên mảnh đất Hội An cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây.
Đây chính là tiềm năng, nguồn lực vô cùng quan trọng cần được nghiên cứu, nhân diện, bảo tồn và phát huy giá trị một cách cẩn trọng để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hội An. Qua đó tạo nguồn lực mạnh mẽ, vững chắc ở lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để Hội An có thể tham gia Mạng lưới UCCN trong tương lai. Bên cạnh đó, sự sáng tạo ở lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian sẽ tác động, ảnh hưởng, tạo môi trường, không gian, khuyến khích sự sáng tạo lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác như thiết kế, ẩm thực, văn học, mỹ thuật,… Để chuẩn bị cho công tác xây dựng hồ sơ, tháng 7/2022, UBND TP Hội An đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng tới thành phố sáng tạo” với sự tham gia của đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra những ý kiến tư vấn, gợi mở về đặc trưng, tầm nhìn và hành động để Hội An tiếp cận mạng lưới UCCN.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Hội An cần tiến hành nghiên cứu đánh giá chính xác bức tranh thực tế của các ngành công nghiệp sáng tạo, đầu tư nhiều hơn vào vốn con người. Bên cạnh đó, cần lập bản đồ hoạt động văn hóa và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực sáng tạo bằng cách xác định khoảng trống và phát huy tài sản văn hóa hiện tại. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm cho rằng Hội An mang trong mình nhiều tiềm năng, ưu thế về điều kiện văn hóa, địa lý, cùng với bề dày lịch sử, sự linh hoạt, cởi mở, sáng tạo đã được tích lũy, kế thừa trong truyền thống của vùng đất đô thị thương cảng xưa. Vùng đất này đã kế thừa, bảo tồn, phát huy các tài nguyên di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, sáng tạo, đặc biệt dựa trên giá trị các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật dân gian cùng với nhiều sáng tạo khác về các ngành công nghiệp văn hóa.
Trong giai đoạn hiện nay, các chính sách, tầm nhìn của TP Hội An luôn kiên định thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, xây dựng Hội An theo định hướng sinh thái - văn hóa - du lịch phát triển năng động, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng và đảm bảo tính bền vững. Trong những năm gần đây, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được TP Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung xác định là định hướng tiên phong, trong đó nhấn mạnh phát triển du lịch phải đi cùng, song hành với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bồi đắp các giá trị nhân văn và tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng từ văn hóa bản địa. Đến nay, trong tổng số 1.439 di tích trên địa bàn Hội An có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh, 1.363 di tích được lập hồ sơ đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh và thành phố; 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại Khu phố cổ Hội An có đến 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật được tạo nên nhờ những đóng góp không nhỏ của các nghề thủ công mỹ nghệ như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… Hơn 80% di tích trong khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể tạo nên sự đặc thù của khu phố cổ so với các di sản khác. Khu phố cổ được xem là một “bảo tàng sống”. Chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú như về nếp sống truyền thống của cư dân đô thị, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực… Đồng thời luôn có sự sáng tạo để đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Khánh Chi