Trao đổi về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về du lịch

Cập nhật:24/12/2012 08:11:56
Trong 2 ngày 18-19/12, tại TPHCM, Hội thảo chuyên đề “Công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực du lịch và tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL tổ chức với  nhiều nhà quản lý, chuyên gia đến dự.

Theo bà Lê Mai Khanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khách sạn - TCDL, hiện cả nước có khoảng 13.500 cơ sở lưu trú du lịch, với 285.000 buồng, trong đó: Hạng 5 sao có 55 cơ sở lưu trú du lịch với 13.767 buồng, hạng 4 sao với 17.550 buồng; 3 sao là 21.888 buồng, còn lại là 1 sao và 2 sao và hạng đạt tiêu chuẩn.

Căn cứ vào mức độ tăng trưởng trong thời gian qua và chiến lược phát triển ngành, dự báo đến năm 2015, số cơ sở đạt hạng 5 sao là 70 với 22.000 buồng; 4 sao là 180 cơ sở với 40.000 buồng; 3 sao là 500 cơ sở với 40.000 buồng,; 2 sao là 2.500 cơ sở với 92.000 buồng.

Số liệu trên cho thấy công tác triển khai áp dụng tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trong thời gian tới là rất lớn, và việc nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng là yêu cầu tất yếu để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Phó Phi Sơn- Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết, ở nước ta việc tổ chức xây dựng dự thảo TCVN tại các Bộ quản lý chuyên ngành dưới sự hướng dẫn và kiểm soát nghiệp vụ xây dựng TCVN . Đối với lĩnh vực du lịch, một lĩnh vực đặc thù, trong đó các hoạt động kinh doanh và dịch vụ gắn liền với trình độ phát triển văn hóa rất đặc thù củaViệt Nam, vì thế chưa có QCVN để quản lý. Tuy nhiên các TCVN trong lĩnh vực du lịch đã được Bộ VHTTDL xây dựng là các căn cứ kỹ thuật để các cơ quan quản lý, các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch thực hiện Luật Du lịch năm 2005.

Trong lĩnh vực tiêu chuẩn nghề về hướng dẫn viên, công tác hướng dẫn du lịch, ông Đỗ Đình Cương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch đã bộc lộ nhiều bất cập. Chất lượng sinh viên, học sinh ra trường chưa cao, thiếu thực tiễn và kỹ năng thực hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu cảu các doanh nghiệp du lịch. Mặt khác, từ cách tiếp cận nghề khác nhau nên các cơ sở đào tạo đã đưa những nội dung đào tạo những nội dung, tiêu chuẩn và kỹ năng nghề khác nhau dẫn đến mặt bằng trình độ của sinh viên, học sinh khi ra trường từ những nguồn đào tạo khác nhau không đồng đều.

Theo ông Nguyễn Văn Phát- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kiên Giang, nhìn chung, lao động đang phục vụ du lịch tại tỉnh Kiên Giang hầu như chưa được qua đào tạo, trình độ ngoại ngữ còn rất rất thấp. Trước tình trạng đó, tỉnh đã mở nhiều lớp về nghiệp vụ du lịch do các trường tổ chức đào tạo.

Ông Phát cũng đề nghị Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL nên tổ chức định kỳ, tập huấn cho các bộ làm công tác quản lý tại địa phương, nhằm cung cấp kịp thời những quy định, thay đổi, điều chỉnh trong ngành trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Nguyễn Thư

Nguồn: Chinhphu.vn