Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, nhờ huy động tốt nguồn kinh phí xã hội hóa, thời gian qua, nhiều di tích lịch sử văn hóa ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) được đầu tư tu bổ, tôn tạo trở thành điểm nhấn trong bức tranh phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch.
Tôn tạo chùa Phi Tướng (xã Thanh Khương)
Đầu năm 2022, UBND huyện Thuận Thành tiến hành tu bổ, tôn tạo hai di tích gồm chùa Phi Tướng (xã Thanh Khương) và chùa Dàn (xã Trí Quả) với tổng kinh phí thực hiện hơn 75 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục thay thế, sửa chữa, xây mới nhà tiền thất, bảo hậu, hành lang tả, hành lang hữu, nhà khách, tam quan và các công trình phụ trợ. Đến nay, công trình đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, đơn vị thi công đang nỗ lực để hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng trong mùa lễ hội vùng Dâu (dự kiến vào tháng 4 năm 2023)
Tại khu di tích đình Mão Điền Đoài, được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, nơi thờ 3 vị tướng họ Chu có công với nhà hậu Lê. Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của nhân dân địa phương, ngôi đình được khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương.
Huyện Thuận Thành hiện có 81 di tích được Nhà nước công nhận trong đó cấp quốc gia đặc biệt là 2, cấp quốc gia là 22, cấp tỉnh là 57 di tích; 5 bảo vật và nhóm bảo vật Quốc gia. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích luôn được huyện quan tâm, đầu tư. Riêng trong năm 2022, toàn huyện có 11 di tích được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp với tổng kinh phí là 7,2 tỷ đồng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở huyện Thuận Thành được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Tiêu biểu như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ; Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp…. Công tác tổ chức lễ hội truyền thống được duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị. Năm 2022, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Thuận Thành đang phục hồi tích cực, lượng khách du lịch năm tăng 60% so với năm 2021.
Ông Nguyễn Đăng Quản, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Thuận Thành cho biết: “Cùng với hoạt động trùng tu, tôn tạo, những năm qua, Huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác trùng tu, tôn tạo gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho người làm công tác quản lý, trông coi, bảo vệ trực tiếp các di tích; tích cực thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm; thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động tham mưu với UBND huyện các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích”.
Thời gian tới ngành Văn hóa, thông tin huyện Thuận Thành tiếp tục phối hợp các đơn vị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt lễ hội truyền thống đặc biệt tập trung tổ chức tốt lễ hội Kinh Dương Vương, lễ hội chùa Bút Tháp và chùa Dâu năm 2023; lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, khảo sát đánh giá thực trạng các di tích xuống cấp, đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
N. Hoa