Du khách thập phương ấn tượng với các lễ hội tại Vĩnh Phúc

Cập nhật:17/02/2023 14:14:17
Vĩnh Phúc không chỉ hấp dẫn du khách bởi những danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà nơi đây đang dần phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với hành trình tham quan và tìm hiểu nền văn hóa đặc sắc của các làng quê. Phong tục tập quán được phản ảnh qua các lễ hội truyền thống trong năm cũng là điểm nổi bật tạo nên ấn tượng đẹp đối với du khách khi ghé thăm mảnh đất tươi đẹp này.
 
Đến với các lễ hội tại Vĩnh Phúc, đông đảo du khách cảm nhận được sự vui vẻ, an toàn đúng với tính chất của những ngày du Xuân đầu năm
 
Là một bộ phận đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc nói chung và địa phương nói riêng, lễ hội dân gian là một sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật. Bởi vậy, lễ hội thường chiếm một khoảng thời gian khá lớn với nhiều hoạt động mang tính xã hội phong phú.
 
Không khó để có thể điểm danh những lễ hội nổi tiếng của đất và người Vĩnh Phúc như Lễ hội Đả cầu cướp phết (Bàn Giản - Lập Thạch), Lễ hội Đúc bụt (Đồng Tĩnh - Tam Dương), Lễ hội Kéo song (Hương Canh - Bình Xuyên), Lễ hội Tây Thiên (Đại Đình - Tam Đảo), Lễ hội đình Thổ Tang (Thổ Tang - Vĩnh Tường), Lễ hội Chọi trâu (Hải Lựu - Sông Lô)...
 
Những lễ hội ấy, bên cạnh việc phản ánh nét đẹp của người dân luôn hướng về cội nguồn của dân tộc thì còn là biểu tượng của nền văn hóa dân gian với truyền thống lâu đời của đất và người Vĩnh Phúc.
 
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây”, các lễ hội của Vĩnh Phúc thường diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao của tổ tiên, các bậc tiền nhân, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước mình.
 
Bởi vậy, các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh thần thượng võ như cướp phết, cướp chiếu, chọi trâu, kéo song… Sự phong phú của lễ hội ở Vĩnh Phúc vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách bởi đáp ứng được nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn cảnh đẹp, được khám phá cuộc sống hay những đặc sản địa phương...
 
Được phục hồi sau 3 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, dưới nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân địa phương, Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu luôn là điểm đến của hàng vạn du khách thập phương mỗi độ Xuân về.
 
Không giấu được niềm vui khi lần đầu được tham dự lễ hội, anh Nguyễn Văn Hưng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tôi đã biết đến Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu từ lâu, nên năm nay, tôi cùng các bạn của mình lên kế hoạch tham dự từ rất sớm khi biết lễ hội chính thức được tổ chức trở lại sau 3 năm tạm hoãn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Đến đây từ rất sớm, nên chúng tôi có dịp thăm thú một số địa danh và khu du lịch lân cận, được thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Đặc biệt lễ hội này đã đem lại cho chúng tôi cảm xúc mới lạ, bởi không khí trong lễ hội với những trận đấu đầy kịch tích, vừa hồi hộp, căng thẳng lại vừa háo hức và bất ngờ. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại vào năm sau”.
 
Không ít lần tham dự các lễ hội tại Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Tuấn Hùng, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Một trong những lý do chúng tôi ấn tượng về lễ hội tại Vĩnh Phúc là hầu hết các địa phương đều làm rất tốt khâu tổ chức. Các lễ hội diễn ra trang trọng, uy nghiêm ở phần lễ, sôi nổi, hào hứng, lành mạnh ở phần hội. Nhờ đó, du khách luôn cảm nhận được sự vui vẻ, an toàn đúng với tính chất của những ngày du Xuân đầu năm".
 
Dù vẫn chưa chính thức khai hội, nhưng những ngày này, Khu di tích danh thắng Tây Thiên đã tấp nập du khách thập phương. Ngay từ trước Tết, nhiều du khách đã đến đây nhằm “tìm về chốn linh thiêng để chiêm bái, cầu mong một năm mới an lành, nhiều may mắn”.
 
Cũng không ít người tìm về đất Mẫu để cảm nhận, thưởng ngoạn một quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với những đền, chùa có giá trị văn hóa cùng những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thõng, đền Cô, đền Cậu đầy bí ẩn, linh thiêng".
 
Là du khách thường xuyên tới tham quan Khu di tích danh thắng Tây Thiên, bác Nguyễn Thúy Hằng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Những năm gần đây, nơi này đã được trùng tu, tôn tạo hệ thống đền chùa, hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, cáp treo hoạt động hiệu quả. Điều đó tạo nên diện mạo khu danh thắng ngày một thay đổi theo chiều hướng tích cực, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Là điểm thu hút đông đảo du khách tìm về hành hương mỗi mùa lễ hội”.
 
Tổ chức và quản lý lễ hội dân gian là việc không đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh có sự tác động của thị trường dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, từ những nhận định, đánh giá của du khách qua những lễ hội đã diễn ra trong thời gian qua, có thể thấy công tác tổ chức và quản lý lễ hội dân gian đã và đang được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, phần nào đáp ứng được yêu cầu của du khách trẩy hội.
 
Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều hơn nữa du khách từ mọi miền Tổ quốc tìm về Vĩnh Phúc trong mỗi mùa lễ hội đầu năm, bên cạnh những giá trị nhân văn bền vững vẫn được giữ gìn, phát huy mang lại một không gian văn hóa trong sạch, lành mạnh tại những lễ hội cổ truyền, cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như sự bổ sung những giá trị văn hóa bên lề để lễ hội mãi đẹp, ấn tượng trong lòng người trẩy hội như vẻ đẹp nguyên thủy, sơ khai vốn có của nó.
 
Bài, ảnh: Thiệu Vũ
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn