Hồ Kala tọa lạc trên địa phận xã Bảo Thuận, là hồ đập thủy lợi nhân tạo to nhất ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) với nguồn nước sạch, trong xanh. Hồ Kala có diện tích mặt hồ rộng trên 300 ha, dung tích gần 19 triệu m3. Và một trại chăn nuôi cá nước ngọt đã và đang mang lại hiệu quả thương mại cao nhờ mặt nước hồ Kala này. Không chỉ nuôi cá, nhiều mô hình du lịch đang nở rộ ven hồ Kala.
Khách du lịch chèo thuyền trên hồ Kala
Cắm trại và chinh phục Brah-Yang
Không nằm trên những cung đường du lịch nổi tiếng nhưng thời gian gần đây, không ít du khách, nhất là du khách trẻ tìm đến Kala như trở về khoảng thiên nhiên hoang sơ, gột rửa tâm hồn và tìm lại nguồn năng lượng mới. Cộng đồng du lịch “phượt” từ TP Hồ Chí Minh đã tìm đến với Kala, thưởng thức không gian rộng lớn, hơi nước mặt hồ mát mẻ và những trò chơi mạo hiểm như đi xe đạp địa hình, chèo sup trên mặt hồ cũng như chinh phục núi Brah-Yang.
Khách du lịch thường dùng xe ô tô chạy từ Quốc lộ 20 vào đập Kala, men theo vòng hồ để đến được điểm cắm trại tại một bán đảo phía hạ lưu hồ. Có thể chạy vòng quanh hồ bằng xe đạp, xe máy hoặc qua đò để đưa người và lều băng qua mặt hồ xanh biếc để đến với điểm cắm trại. Điểm cắm trại rất yên bình, nước ven hồ không sâu, đất bằng phẳng, là địa điểm lí tưởng cho những đêm lửa trại bập bùng. Thường du khách chèo sup, bơi lội vào buổi chiều và sáng sớm, từng đoàn tổ chức leo núi, chinh phục hai ngọn núi cao nhất huyện Di Linh là Brah-Yang và Yang Doan.
Núi Brah-Yang và Yang Doan hiện còn nguyên thủy với những dãy núi cao thẳng đứng, xung quanh là rừng xanh. Đoạn trekking trước tiên, khách tham quan sẽ đi xuyên qua vườn cà phê xanh ngát mắt, tiếp theo, khách tham quan sẽ được băng qua khu rừng rậm thông và rừng già với cao độ lên liên tục cần đến sự nỗ lực và bền bỉ của khách tham quan. Khi chinh phục được độ cao gần 2000 m, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hồ Ka La, núi non trùng điệp và một thung lũng xanh dưới chân núi, tất cả hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Glamping "xịn" ven hồ
Không chỉ có cắm trại ngoài trời, ngay sát hồ Kala đã có một khu du lịch “xịn xò” được tổ chức rất bài bản, quy mô. Đó là Kala Campark, một khu cắm trại được đầu tư quy mô, bài bản, vừa mang đậm sắc thái hoang dã núi rừng, vừa đảm bảo đầy đủ tiện nghi phục vụ du khách.
Kala Campark là khu cắm trại dạng Glamping. Glamping là từ ghép của glamorous và camping, tạm gọi là cắm trại gần gũi thiên nhiên rừng núi, hồ suối… cùng với những dịch vụ, tiện nghi cao cấp, lãng mạn. Khu cắm trại Kala Campark nằm sát hồ Kala xinh đẹp với hàng chục lều được dựng sẵn, một không gian được đầu tư rất bài bản. Anh Đặng Nguyên Phúc, đại diện của Kala Campark chia sẻ, Kala Campark được xây dựng trên diện tích 7 ha sát ngay hồ Kala. Mục tiêu của Kala Campark là cho du khách được trải nghiệm cuộc sống giản dị, tự nhiên, thưởng lãm khung cảnh hoang sơ của núi rừng.
Kala Campark có thể đón được 120 khách lưu trú với hơn 30 lều và 5 Bungalow với đầy đủ tiện nghi. Ban ngày, khách có thể sử dụng các dịch vụ đạp xe địa hình, chèo thuyền kayak trên hồ, chơi bóng đá, bóng rổ… Đặc biệt, tour trekking (đi bộ trong rừng), đi chinh phục núi Brah-Yang với hướng dẫn viên người bản địa là tour được du khách rất yêu thích. Buổi tối, du khách thưởng thức các món ăn do chính các đầu bếp là các chàng trai, cô gái người K’Ho ở Bảo Thuận nấu nướng, những món ăn mang đậm chất Tây Nguyên: thịt nướng, cá nước, rau bép, bắp… Lắng nghe tiếng cồng chiêng, ngắm ngọn lửa bập bùng bên hồ trong hơi nước lạnh len lỏi là ấn tượng đẹp của rất nhiều du khách khi đến với khu du lịch xanh này.
Một điều làm Kala Campark khá khác biệt, đó là sự tôn trọng tự nhiên vốn có. Anh Đặng Nguyên Phúc chia sẻ, khi tạo lập Kala Campark, doanh nghiệp cố gắng hết sức để giữ lại vẻ hoang sơ vốn có, ít tác động tới khung cảnh. Điện sử dụng trong Kala Campark cũng là điện mặt trời, hạn chế việc xây dựng ảnh hưởng tới cảnh quan. Không bê tông, chỉ có gỗ và các vật liệu địa phương thân thiện với môi trường, Kala Campark đang cố gắng duy trì nét tự nhiên, thuần khiết của mảnh đất Kala thơ mộng. Những anh chị em làm việc trong khu Glamping cũng hoàn toàn là người ở các buôn xung quanh. Chị Ma Thềm, phục vụ bếp là người thôn Taly, xã Bảo Thuận gần đó. Chị cho biết, đã làm việc tại Kala Campark được 2 năm, được doanh nghiệp cư xử rất tốt, lương, thưởng rất đầy đủ.
Chính quyền huyện Di Linh cũng hết sức hỗ trợ để các doanh nghiệp khai phá, xây dựng du lịch ven hồ Kala, đặc biệt, với các mô hình gần gũi tự nhiên, không ảnh hưởng nhiều tới khung cảnh. Mảnh đất Di Linh với mặt hồ Kala xanh ngọc vẫn chào đón du khách mang đến cho bạn bè những trải nghiệm về một Di Linh đơn sơ và xinh đẹp.
Diệp Quỳnh