Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Hạ Lang (Cao Bằng) đạt được những kết quả quan trọng; nhiều di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Động Dơi - danh lam thắng cảnh cấp quốc gia được bảo vệ và phát huy giá trị trong phát triển du lịch huyện Hạ Lang
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Hạ Lang, hiện có 2 di tích, trong đó 1 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (Bia Chùa Sùng Phúc), 1 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (đền thờ Tô Thị Hoạn); 1 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia (Động Dơi); 4 cây di sản cấp quốc gia (cây nghiến xã Kim Loan, cây sấu xã Lý Quốc, cây hoa sữa, cây nghiến xã Đồng Loan); 5 điểm di sản công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (đại dương cổ, lục địa cổ xã Minh Long, Đồn Pháp xã Lý Quốc, Chùa Sùng Phúc thị trấn Thanh Nhật, tay cuộn xã An Lạc). Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản phi vật thể, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH-TT huyện quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Phòng VH-TT huyện tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử, di sản phi vật thể, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong cộng đồng, trường học; quảng bá các danh lam thắng cảnh, các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với các điểm du lịch, hướng tới xây dựng Hạ Lang là điểm đến du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ, zalo, Facebook... Hằng năm, các trường học trên địa bàn huyện tổ chức trên 20 cuộc ngoại khóa tuyên truyền Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn hiện trạng danh lam, thắng cảnh. Hướng dẫn các địa phương áp dụng đúng, đủ các quy định của Luật Di sản văn hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng.
Phòng VH-TT phối hợp với cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở tích cực, chủ động phối hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra, lập hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng di tích theo luật định; lập hồ sơ, báo cáo thiết kế trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thẩm định để trùng tu, tôn tạo Chùa Sùng Phúc và Đền thờ Tô Thị Hoạn.
Di sản văn hóa trên địa bàn huyện có trang phục dân tộc Tày, Nùng, Nùng Khen Lài, phong slư, hà lều, lượn then, đàn tính… Để phát huy các giá trị di sản văn hóa, Hội Bảo tồn dân ca huyện Hạ Lang thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; 13/13 phân chi Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc trong các xã được thành lập và có 13 câu lạc bộ dân ca, hát then, đàn tính đi vào hoạt động. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ, các nghệ nhân ở các thôn, xóm đều tham gia tích cực các hội thi, hội diễn ở địa phương, ở tỉnh và tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 12 lễ hội truyền thống hoạt động thường xuyên vào những dịp đầu xuân năm mới, có tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao như: múa rồng, múa lân, tung còn, kéo co, lày cỏ…, giao lưu văn nghệ với những làn điệu phong slư, hà lều, lượn then, đàn tính... tạo không khí vui tươi phấn khởi trong quần chúng nhân dân.
Đồng chí Nông Thị Hương, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hạ Lang cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản phi vật thể, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa chưa đồng đều và toàn diện. Các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng cơ sở tại các điểm di sản chưa đáp ứng phục vụ du lịch, hệ thống giao thông, các cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang dần bị mai một, một số người không thích mặc trang phục truyền thống và không thích hát các làn điệu dân ca, đặc biệt là giới trẻ. Kinh phí của Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện chủ yếu do hội viên tự đóng góp…
Để công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đi vào nền nếp, thời gian tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên các phương tiên thông tin đại chúng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương. Tổ chức hội thi cấp huyện về hát dân ca giao duyên, trình diễn trang phục dân tộc để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống của các địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thống kê các nghệ nhân có thể truyền dạy được các làn điệu dân ca của dân tộc để mở các lớp truyền dạy trên địa bàn huyện. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm vùng công viên địa chất và các di tích lịch sử trên địa bàn. Phối hợp với các địa phương quản lý tốt các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nhằm kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các loại văn hóa phẩm độc hại, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn huyện.
Minh Hòa