Với sự đa dạng về văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, tỉnh Kon Tum có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để khai thác, xây dựng các sản phẩm văn hóa, tạo “sức hút” đối với du khách, đây là “đòn bẩy” nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch- ngành công nghiệp không khói, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu- Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum) cho biết: “Tiềm năng đa dạng về văn hóa chính là nguồn “sức mạnh mềm” thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển nhiều nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng DTTS đã giúp tỉnh ta tạo nên sức hút to lớn đối với du khách trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và là một trong những “lực đẩy” trong phát triển kinh tế- xã hội”.
Tỉnh ta hiện có 43 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa; đồng bào DTTS chiếm 54% dân số. Đặc biệt có 7 DTTS tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm) với những nét văn hóa bản địa đặc sắc vẫn được gìn giữ, bảo tồn đến ngày nay còn đậm nét hoang sơ là “lực hút” mạnh mẽ đối với những du khách, nhất là đối với những du khách có hứng thú với loại hình du lịch văn hóa (Cultural tourism).
Nhiều loại hình văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh dần được phục hồi và phát huy. Ảnh: P.T
Mỗi loại hình văn hóa ở mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt, màu sắc riêng như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian (bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); tập quán xã hội (bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác); nghệ thuật trình diễn dân gian (bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức 3 trình diễn dân gian khác).
Theo bà Đậu Ngọc Hoài Thu, thời gian qua, chính sự phong phú về văn hóa, đa dạng về thành phần dân tộc, về các nhánh trong cùng một dân tộc đã tạo cho mảnh đất Kon Tum có một nền văn hóa đa sắc màu. Qua đó, tạo nên sự đa dạng và đặc trưng riêng của tỉnh so với các địa phương khác, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ.
Hiện nay, văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn dần có chỗ đứng vững chãi, được chú trọng bảo tồn, phát huy. Nhiều hoạt động giáo dục, bảo tồn, xây dựng văn hóa được triển khai đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo của các tầng lớp nhân dân, tạo sức hút trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan và khám phá của du khách.
Việc giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS được tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn phát huy giá trị nghề dệt truyền thống, trang phục truyền thống trong các trường học được chú trọng. Triển khai mặc trang phục truyền thống phù hợp và các ngày lễ, tết, ngày hội... cho học sinh trường dân tộc nội trú, học sinh là người DTTS, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS trên địa bàn bước đầu đang được triển khai hiệu quả với 3 thôn/làng là Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy); thôn Đăk Răng, Đăk Dục (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi); Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông). Các hoạt động sinh hoạt văn hóa trong thôn/làng, như việc tổ chức lễ hội truyền thống, sinh hoạt dân ca, dân vũ, dân nhạc dân gian, hoạt động trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống được tổ chức tại nhà rông… góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân, du khách.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, tiềm năng đa dạng về văn hóa truyền thống các DTTS sẽ là lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của tỉnh ; giúp tỉnh nhà tạo sức hút trong đầu tư phát triển, liên kết phát triển vùng, khu vực... Đồng thời, khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng các dân tộc trong việc bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng với sự đa dạng về nội dung, loại hình, hấp dẫn du khách”.
Phạm Thanh