Cây dừa hiện diện và gắn liền với đời sống của cư dân Bến Tre từ bao đời nay. Cây dừa đồng hành với người dân trong xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới; là nét văn hóa không thể tách rời với đất và người Bến Tre. “Văn hóa dừa” cứ thế được đưa vào du lịch (DL), trở thành giá trị bản địa, tạo nên thương hiệu và hình ảnh đặc trưng của DL Bến Tre.
Vui chơi dưới tán dừa. Ảnh: Nhựt Thưởng
Khai thác các sản phẩm từ dừa
“Văn hóa dừa” ở Bến Tre là những câu chuyện về truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương dưới rặng dừa xanh, những tác phẩm thơ ca, nhạc, họa, các loại nhạc cụ từ dừa, ẩm thực từ dừa, những sản phẩm đa ứng dụng từ dừa trên mọi mặt đời sống từ nhà ở, trang phục, hóa mỹ phẩm, các vật dụng thường ngày cũng như một ngành công nghiệp dừa đang vận động và phát triển mạnh mẽ, đầy triển vọng.
Thời gian qua, DL Bến Tre đã nỗ lực thay đổi để tương xứng với danh xưng “xứ Dừa”. Có thể thấy rõ nét nhất trong định hướng về phát triển DL của tỉnh là việc đưa cây dừa cùng những giá trị của dừa vào DL một cách toàn diện. Người làm DL ở tỉnh đã nhận thức rõ về giá trị cốt lõi, nhận ra mình giữa bức tranh DL sinh thái đồng bằng sông Cửu Long chính là hình ảnh của dừa. Họ đã hiểu được rằng, cần tự tạo nên câu chuyện và đặc trưng riêng của mình, dựa vào tài nguyên bản địa đang có để khai thác giá trị từ cây dừa cùng văn hóa ẩm thực dừa và dùng thế mạnh này để du khách trải nghiệm, thưởng thức những sản phẩm chất lượng nhất.
Từ lâu những sản phẩm đặc sản từ dừa đã hiện hữu quen thuộc tại các khu, điểm DL như kẹo dừa, mứt dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các đồ dùng lưu niệm được chế tác từ dừa rất phổ biến. Ẩm thực dừa cũng được khai thác nhiều với các món ăn trứ danh như: tép rang dừa, gỏi củ hủ dừa, cơm trái dừa… Nhiều mặt hàng từ dừa tiếp tục được đưa vào khai thác, phục vụ DL như: nước dừa, dầu dừa đóng hộp, bánh kẹo. Đặc biệt, các loại mỹ phẩm từ dừa (mặt nạ dừa, son môi dừa, xà bông dừa…) cũng được du khách ưa chuộng.
Là một du khách ở Bình Dương đến với Bến Tre, chị Hồng Hạnh bày tỏ sự thích thú khi trải nghiệm các sản phẩm từ dừa: “Tôi có thể tìm thấy dừa ở khắp nơi khi đến Bến Tre. Tôi rất thú vị khi sử dụng các vật dụng từ dừa và vui chơi trong không gian rợp bóng dừa. Thật bất ngờ vì có nhiều mỹ phẩm từ dừa và lành tính. Như vậy, tôi mua về làm quà rất phù hợp”.
Hình ảnh dừa trong du lịch
Cùng với việc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức dành cho người làm DL, Bộ quy chuẩn về tiêu chí homestay kiểu mới của tỉnh cũng đã khuyến khích các cơ sở DL sử dụng các vật liệu từ cây dừa để tạo hình ảnh dừa thật rõ nét. Cụ thể, thiết kế kiến trúc được xây dựng theo phong cách đặc trưng của vùng nông thôn xứ Dừa, gần gũi thiên nhiên. Vật liệu xây dựng, trang thiết bị, tiện nghi trong homestay được khuyến khích sử dụng vật liệu gỗ, dừa hoặc mây, tre, lá, thể hiện đặc trưng của xứ Dừa.
Đến các điểm DL, cơ sở lưu trú tại tỉnh, du khách có thể bắt gặp hình ảnh và chất liệu dừa ở mọi nơi: phòng ở, vật dụng trang trí nội thất, ngoại thất, đồ dùng nhà bếp, bàn ăn, phòng ngủ... Một số cơ sở lưu trú nổi bật với vật liệu hoàn toàn từ dừa như: homestay Xóm Dừa Nước (TP. Bến Tre), Coconut homestay (Mỏ Cày Nam), Homestay Út Trinh (Tam Hiệp, Bình Đại), Bến Tre Riverside Resort (TP. Bến Tre)…
Dưới góc độ hướng dẫn viên DL, chị Đoàn Thị Trúc Phương, hướng dẫn viên Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Là một hướng dẫn viên, tôi mong muốn khi xây dựng các đường tour và giới thiệu các điểm đến cho du khách phải chuyển tải được nét đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đất. Nói đến Bến Tre thì du khách đã có thể nhớ ngay đến cây dừa. Hơn thế, tôi muốn giới thiệu cho du khách thấy giá trị của cây dừa không chỉ qua món kẹo dừa mà còn phải biết đến người dân trồng cây dừa như thế nào, sản xuất ra các sản phẩm từ cây dừa ra sao. Có như vậy, chúng ta mới mang được giá trị của cây dừa cũng như đặc trưng văn hóa của vùng đất Bến Tre đến với du khách một cách sâu sắc hơn”.
Tất cả các giải pháp đồng bộ cần sự chung tay, đồng hành, góp sức của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng dân cư để văn hóa dừa thật sự lan tỏa trong đời sống cư dân Bến Tre. Từ đó, giúp cho du khách thật sự được “đắm mình” trong “Văn hóa dừa” khi đến Bến Tre.
Xây dựng sản phẩm DL lấy hình ảnh dừa làm trung tâm là định hướng của tỉnh trong phát triển DL. Ngành DL tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hình ảnh DL xứ Dừa Bến Tre, trong đó khai thác tối đa giá trị, ý nghĩa, biểu tượng độc đáo của cây dừa. Ðồng thời, chú trọng tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh quê hương xứ Dừa Bến Tre. Trong các sản phẩm DL, hình ảnh, câu chuyện về cây dừa - cây của sự sống cần được kể lại, được chuyển tải một cách tinh tế.
Thanh Đồng