Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo sức bật mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP theo hướng mở rộng các chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP của huyện Tam Đảo đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh Dương Hà
Tam Đảo không chỉ là huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đây còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp từ các sản phẩm đặc trưng như rau su su, chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng và các loại cây dược liệu quý giá, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây dược liệu trà hoa vàng, một trong những cây trồng đặc trưng của Tam Đảo được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện.
Từ khi tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, huyện Tam Đảo có 21 sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương như đông trùng hạ thảo sấy khô thăng hoa, nấm sò Tam Đảo của HTX Nấm Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ Tam Đảo, viên tinh bột nghệ mật ong rừng Tam Đảo, các sản phẩm sữa chua Tam Đảo, sữa chua nếp cẩm Tam Đảo, bánh sữa đặc biệt Tam Đảo, sữa chua uống Tam Đảo…
Phó trưởng Phòng NN&PTNT Tam Đảo Lưu Văn Hương cho biết: 'Phát triển nông nghiệp từ sản phẩm OCOP được xem là đòn bẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng, khẳng định thương hiệu cũng như giúp người dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân gắn với thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển KT-XH khu vực nông thôn bền vững".
Để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND huyện Tam Đảo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP; chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập các mô hình thực hiện chương trình OCOP tại các tỉnh bạn.
UBND huyện giao các phòng chuyên môn phụ trách hướng dẫn các tổ chức kinh tế, hộ dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghiệp và hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, nhãn hàng hóa trong phát triển sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đăng ký tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hội Nông dân tỉnh và các hội trợ triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Hằng năm, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân và các hộ kinh doanh, các tổ chức kinh tế lựa chọn các sản phẩm chủ thể thế mạnh của địa phương để đăng ký sản phẩm OCOP.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần HAPPY LIFE Tam Đảo, thôn Núc Hạ, xã Hồ Sơn cho biết: "Hiện tại, công ty có 11 sản phẩm về đông trùng hạ thảo, trong đó, có 2 sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi và đông trùng hạ thảo khô đăng ký tham gia chương trình sản phẩm OCOP năm 2023.
Công ty không ngừng đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện kiểm nghiệm để lưu hành sản phẩm; chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phân khúc sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu khách hàng…".
Giai đoạn 2021-2025, huyện Tam Đảo có 15-20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, mỗi năm có từ 1-3 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp huyện và cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên; đối với các sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao nâng hạng sản phẩm lên 4 sao.
Để gây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng sản xuất và tăng giá trị, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản phẩm hiện có, đồng thời, phát triển các sản phẩm mới, tập trung hoàn thiện và phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện như rau su su, thịt, trứng gà an toàn theo hướng hữu cơ và các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Sán Dìu như trang phục dân tộc, thuốc nam gia truyền, bánh chưng gù, bánh gio…
Hoàn thiện các tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phấn đấu hằng năm phát triển mới từ 1 - 2 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia chương trình sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.
Chú trọng phát triển cửa hàng, các điểm bán các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương và sản phẩm OCOP. Khuyến khích các tổ chức kinh tế lập các trang website riêng để quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Thanh Tuyền