Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, những năm qua, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Người dân xã Nà Phòn (Mai Châu, Hòa Bình) giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc, góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn
Bà F.Martine, du khách đến từ nước Pháp rất hào hứng, thích thú khi được hòa mình cùng bà con dân tộc Thái ở xóm Nhót trong điệu nhảy sạp sôi động, thân thiện và được tìm hiểu về văn hóa keeng loóng. Bà F.Martine cho biết, bà rất ngạc nhiên với khả năng sáng tạo đặc biệt của người Thái. Bởi chỉ từ những cây tre, cây gậy và một gốc gỗ to, người Thái có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động, thu hút người xem.
Trước đây, múa sạp, đánh keeng loóng chỉ được tổ chức trong các ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi Nà Phòn phát triển mạnh du lịch cộng đồng và nhiều du khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu về nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn thì các xóm ở Nà Phòn đã thành lập đội văn nghệ, tổ chức múa sạp, đánh keeng loóng để du khách trải nghiệm, thưởng thức. Qua đó góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hoá của đồng bào Thái Trắng nơi đây. Bà Hà Thị Nhất, thành viên đội văn nghệ xóm Nhót cho biết: Khách du lịch rất thích khi được múa xòe, múa sạp, đánh keeng loóng cùng đội văn nghệ, ai cũng vui, hào hứng. Bản sắc văn hóa của người Thái có sẵn rồi, mình góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc của đồng bào mình thôi.”
Với những lợi thế sẵn có, xã Nà Phòn đã nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Thái. Các homestay chú trọng xây dựng không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường để giữ gìn và mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, đậm nét văn hóa của đồng bào Thái. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm, sự thân thiện, hiếu khách của người dân, mà ở đây còn sở hữu những nếp nhà sàn nép bên sườn núi, những nét sinh hoạt cộng đồng mang bản sắc của người dân bản địa.
Xã Nà Phòn cách trung tâm huyện gần 2 km, hiện vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Thái như ẩm thực, trang phục, nhà sàn... Đặc biệt, xã kết nối với bản Lác, xã Chiềng Châu; bản Poom Cọng, thị trấn Mai Châu tạo thành tam giác du lịch thu hút du khách. Nắm bắt cơ hội, chính quyền và người dân xã Nà Phòn đã đầu tư tạo dựng cảnh quan môi trường, thành lập đội văn nghệ, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ ăn, nghỉ... Toàn xã hiện có 19 nhà nghỉ homestay, 2 khu nghỉ dưỡng. Xã còn duy trì 100 khung cửi dệt thổ cẩm, thành lập 22 đội văn nghệ.
Những năm qua, công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng đã được xã Nà Phòn khai thác để phát triển du lịch, từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca dân vũ, trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống… từ đó trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đồng chí Lò Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Phòn cho biết: Để phát triển du lịch bền vững nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc, xã có chủ trương giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt là trong việc giữ gìn trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, duy trì các khung cửi và giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Qua đó thu hút và giúp du khách có trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cũng như KT-XH của địa phương.
Thanh Loan - Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu