Hồ Hoà Bình có dung tích hơn 9 tỷ m3. Với dạng hình lòng máng, được bao bọc bởi những dãy núi cao, đáy hồ sâu, nguồn lợi thuỷ sản phong phú, hồ Hoà Bình được coi là kho tàng quý báu về thuỷ sinh vật, được ví như vịnh Hạ Long trên cạn, thu hút khách tham quan du lịch. Năm 2016, hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Khai thác lợi thế diện tích mặt nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hộ dân vùng lòng hồ Hoà Bình đã phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Homestay được đầu tư khang trang từ bè cá của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, tổ Tháu, phường Thái Bình, TP Hoà Bình là điểm đến thu hút khách tham quan, trải nghiệm
Ông Nguyễn Văn Bình, tổ Tháu, phường Thái Bình, TP Hoà Bình đã gắn bó hơn 20 năm với nghề đánh bắt và nuôi cá lồng trên vùng hồ Hoà Bình. Hiện, gia đình ông có 7 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá lăng, rô, chép... Tuy nhiên, mấy năm gần đây, khi thị trường bắt đầu bão hoà và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm (2021 - 2022), giá cá thương phẩm trên vùng hồ Hoà Bình sụt giảm. Nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào bè cá thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao, gia đình ông Bình quyết định nâng cấp bè cá trở thành một homestay nổi trên mặt nước để đón khách du lịch.
Ông Bình cho biết: Ban đầu chỉ là khách đi du lịch lòng hồ muốn ghé vào thưởng thức cá lòng hồ ngay tại bè, gia đình tôi phục vụ những đoàn khách đặt ăn. Sau đó, nhận thấy nhiều đoàn muốn ở lại trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên vùng hồ nên gia đình mạnh dạn đầu tư thuyền chở khách, mở thêm các dịch vụ ăn nghỉ, chèo thuyền kayak trên vùng hồ.
Với việc chú trọng đầu tư trở thành một homestay nổi thoáng mát, sạch sẽ ngay khu vực vùng hồ Hoà Bình, gia đình ông Bình thường xuyên đón khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về nghỉ ngơi, trải nghiệm. Không chỉ thu từ dịch vụ ăn, nghỉ, ông Bình còn bán cá thương phẩm cho khách du lịch ngay tại homestay mà không phải bán qua tư thương hoặc bán lẻ như trước. Trung bình mỗi tháng mùa hè, homestay của gia đình ông đón trên dưới 400 khách tham quan, trải nghiệm, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đưa gia đình trải nghiệm tại homestay của gia đình ông Bình, anh Lê Nam, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đã được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hồ Hoà Bình khá nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm một "homestay nổi" vừa khang trang lại vừa mang đậm phong cách truyền thống như ở đây. Đồ ăn nấu đúng theo kiểu truyền thống với xôi ngũ sắc, cá nướng, gà luộc, măng nứa rất tươi ngon. Ở đây cũng có khá nhiều dịch vụ có thể trải nghiệm phù hợp với nhiều lứa tuổi như câu cá, bơi thuyền kayak, leo núi, tắm sông... rất thích hợp trải nghiệm mùa hè.
Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá lồng trên vùng hồ Hoà Bình đã phát triển mô hình nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái. Đến thời điểm này, nhiều hộ đầu tư một cách bài bản, có quy mô hơn nhằm hướng mạnh vào thu hút khách du lịch. Theo tổng hợp, hiện có gần 20 hộ ở các tổ: Vôi, Tháu và một số xóm thuộc vùng lòng hồ các xã: Thung Nai (Cao Phong), Vầy Nưa, Tiền Phong (Đà Bắc) đã đăng ký loại hình kinh doanh du lịch. Ông Nguyễn Xuân Thắng, tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hoà Bình chia sẻ: Dù không phải là người con của vùng đất Hoà Bình nhưng tôi đã gắn bó từ rất lâu với con cá sông Đà. Đã đi nhiều nơi, ăn nhiều loại cá nhưng tôi thấy không ở đâu chất lượng bằng con cá của lòng hồ sông Đà, vừa thơm ngon, vừa sạch. Vì vậy, tôi đã quyết định kết hợp nuôi cá gắn với du lịch mong nhiều người có thể đến đây trải nghiệm, thưởng thức đặc sản cá sông Đà.
Hiện nay, trên vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình có gần 5 nghìn lồng nuôi cá, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10 nghìn tấn. Nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch hiện là hướng đi nhiều hộ dân hướng tới nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ Hoà Bình. Theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, để vừa phát triển bền vững ngành thuỷ sản vừa phục vụ phát triển du lịch vùng hồ, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng, các hợp tác xã tiếp tục phát triển chăn nuôi hiệu quả các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, tập trung vào các loại cá đặc sản vùng hồ, áp dụng quy trình nuôi trồng VietGAP, thuỷ sản hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thuỷ sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí. Đồng thời hướng tới phát triển nuôi trồng các loài thuỷ sản mục đích làm cảnh, giải trí ở khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch, các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm.
Đinh Hòa