Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La

Cập nhật:17/08/2023 16:38:26
Xác định tầm quan trọng của văn hóa, những năm qua, Sơn La đã và đang tập trung thực hiện mục tiêu lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
 
Đồng bào dân tộc Mông huyện Vân Hồ (Sơn La) lưu giữ nghề dệt truyền thống
 
Sơn La là nơi hội tụ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, hình thành nên bức tranh văn hóa phong phú, giàu bản sắc với những di sản văn hóa tồn tại lâu đời mang ý nghĩa và giá trị to lớn. Trong đó, phải kể đến các di sản vật thể, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Sơn La có 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngày 26/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành một nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. Triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các kế hoạch, dự án, cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
 
Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Sơn La, ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, nói: Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng, hình thành nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa của các dân tộc Sơn La. Những lễ hội độc đáo, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, là giá trị cội nguồn, đã và đang được đồng bào gìn giữ và phát huy.
 
Văn hóa truyền thống trở thành nền tảng để xây dựng môi trường văn hóa, văn minh ở đời thường. Những năm qua, hệ thống các thiết chế văn hóa đã được tỉnh quan tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng gắn với các cuộc vận động, phong trào “xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, khuyến khích bà con các dân tộc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 nhà văn hóa cấp huyện; 185/204 nhà văn hóa cấp xã; 2.898 nhà văn hóa cấp bản. Duy trì hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng, hơn 510 câu lạc bộ thể thao ở cơ sở, là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần quan trọng cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân.
 
Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được triển khai mạnh mẽ đến từng cơ sở, tạo sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân. Năm 2022, toàn tỉnh có 74% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 8,4% so với năm 2018; có 57,5% bản, tổ dân phố văn hóa; 98% đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa.
 
Quỳnh Nhai là địa phương tiêu biểu trong thực hiện các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện chỉ đạo thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Chú trọng các giải pháp tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp các di sản văn hóa phi vật thể của huyện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân và gìn giữ truyền thống văn hóa đặc trưng cho du lịch vùng sông nước Quỳnh Nhai.
 
Văn hóa Sơn La những năm gần đây được giới thiệu rộng rãi thông qua lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, các chương trình mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các vùng miền trong nước và quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh của nước bạn Lào. Đây cũng là những yếu tố quan trọng và cần thiết để Sơn La phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai với những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Cùng với đó, tỉnh ta luôn chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần  60%. Các cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa trên nguyên tắc ổn định và phát triển, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
 
Xây dựng văn hóa, phát triển con người Sơn La đã và đang trở thành động lực, mục tiêu trong phát triển kinh tế nói chung và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành du lịch của tỉnh. Với những quyết sách mang tính định hướng lâu dài, những giải pháp trọng tâm và đúng đắn, văn hóa truyền thống các dân tộc Sơn La đang được gìn giữ, phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn giá trị cội nguồn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
 
Bài, ảnh: Thanh Đào
Nguồn: Báo Sơn La Online - baosonla.org.vn