Phát triển du lịch sinh thái ở miền núi tỉnh Khánh Hòa: Cần chủ động kêu gọi đầu tư

Cập nhật:24/08/2023 13:38:30
Khánh Hòa không chỉ có biển mà còn có núi rừng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những nét văn hóa truyền thống độc đáo có thể phát huy giá trị trong du lịch. Vì vậy, các huyện miền núi như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng nhằm góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Định hướng phát triển du lịch 
 
Mới đây, HĐND huyện Khánh Sơn ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, huyện có 570 phòng lưu trú, hoàn thành 3 - 5 điểm du lịch sinh thái mới, hỗ trợ người dân xây dựng các homestay; đón 45.000 lượt khách/năm, trong đó có 6% khách quốc tế; doanh thu đạt 88 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho đề án hơn 254 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 8,3 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác 246 tỷ đồng… Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, từ năm 2016, Khánh Sơn đã xây dựng, triển khai chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 6 năm triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hình ảnh thiên nhiên, con người, một số điểm du lịch ở Khánh Sơn đã được du khách biết đến. Đặc biệt, Lễ hội trái cây Khánh Sơn đã trở thành sự kiện được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm. Để có sự phát triển du lịch một cách căn cơ, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030. Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, kêu gọi đầu tư xây dựng Khánh Sơn trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu đưa Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Huyện Khánh Vĩnh cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái núi rừng. Ngoài Khu du lịch Yang Bay quen thuộc với du khách, gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình mới về du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm ẩm thực địa phương, như: Suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)... Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển du lịch của huyện chưa bài bản, công tác kêu gọi đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn, công tác truyền thông quảng bá du lịch còn yếu. Để phát triển du lịch, huyện đang xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
 
 
Công viên Du lịch Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) trở thành điểm đến của du khách ưa trải nghiệm du lịch sinh thái núi rừng
 
Cần sự hỗ trợ, liên kết
 
Tại cuộc họp về kết quả thực hiện Chương trình hành động ngành Du lịch tỉnh 6 tháng đầu năm 2023, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch sinh thái của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển du lịch ở 2 địa phương chưa được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch. Vì thế, ông đề nghị huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng một số địa phương khác khẩn trương khảo sát, lựa chọn, xây dựng các địa điểm, mô hình phát triển du lịch cộng đồng; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch, liên kết để tạo ra các tour, tuyến du lịch có giá trị cao và bền vững, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
 
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, đến năm 2030, bên cạnh du lịch biển đảo sẽ có thêm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi rừng, du lịch sinh thái hấp dẫn để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn nhiều việc phải làm, nhất là việc kêu gọi đầu tư; quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo nhân lực… Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: “Việc phát triển du lịch ở miền núi còn khá mới mẻ. Vì thế, huyện Khánh Vĩnh rất cần sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các cơ quan, ban, ngành liên quan để đánh thức được tiềm năng lợi thế về du lịch của địa phương, trước mắt là việc xây dựng các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, công tác truyền thông và quảng bá du lịch”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch, việc Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hướng đến khai thác du lịch sinh thái núi rừng kết hợp với du lịch nông nghiệp và văn hóa là hướng đi rất nhiều triển vọng, phù hợp với đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh và kế hoạch phát triển du lịch tỉnh theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Sắp tới đây, khi tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng (đi qua huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn) được triển khai xây dựng, việc phát triển du lịch của 2 huyện sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Hiện nay, Sở Du lịch đang khảo sát để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư du lịch ở các địa phương. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển du lịch, 2 huyện cần chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương, phải có quy hoạch, dự án cụ thể để mời gọi các nhà đầu tư.
 
Xuân Thành
Nguồn: Báo Khánh Hòa Online - baokhanhhoa.vn