Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có là những giải pháp thiết thực mà các cấp, ngành trên địa bàn thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã thực hiện những năm qua. Từ đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần giúp du lịch thành phố phát triển.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn
Trong 7 tháng đầu năm 2023, thành phố Lạng Sơn đã thu hút 1,86 triệu lượt khách (chiếm gần 60% tổng lượng khách đến toàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2023), tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có gần 60 lượt khách quốc tế và 1,8 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu ước đạt 497 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch thành phố.
Để có được những kết quả này, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển du lịch của tỉnh cũng như mục tiêu mà thành phố đề ra.
Bà Hoàng Thuỳ Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên thành phố đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và diện mạo cảnh quan nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nhân lực du lịch cho doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch; tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hướng đến các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái chất lượng cao; tích cực tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch…
Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được thành phố quan tâm đầu tư đúng mức, từng bước thay đổi diện mạo đô thị. Đặc biệt, nguồn kinh phí xã hội hóa tu bổ các di tích trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh được thực hiện có hiệu quả với số vốn trên 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng thu hút được các nhà đầu tư lớn trong việc đầu tư hiện đại hóa các khu đô thị trên địa bàn thành phố như: khu đô thị Phú Lộc 1, 2, 3, 4; khu đô thị Nam thành phố; tổ hợp nhà phố shophouse tại phường Chi Lăng…
Ngoài chú trọng cơ sở hạ tầng du lịch, từ năm 2018 đến nay, thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã xây dựng các biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm du lịch, di tích, in ấn 20.000 tờ rơi, 3.000 cuốn catalog song ngữ Anh - Việt và cẩm nang du lịch thành phố,… Cùng đó, tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn cho 300 cán bộ quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch, các thuyết minh viên là các giáo viên, cán bộ văn hóa xã hội và đoàn viên thanh niên của thành phố, các phường, xã và các doanh nghiệp trên địa bàn…
Thành phố cũng từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch như: triển khai thực hiện phương án xây dựng số hóa Điểm du lịch Nhị Thanh - Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc thành phố Lạng Sơn; số hóa cơ sở dữ liệu du lịch, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý và khai thác du lịch tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu về du lịch thành phố.
Chị Nông Thu Hà, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Mùng 2/9 vừa qua tôi có đến du lịch tại thành phố Lạng Sơn, tôi rất ấn tượng với hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ tại điểm du lịch chùa Tam Thanh. Ứng dụng đã giúp tôi có cái nhìn toàn cảnh về di tích một cách dễ dàng mà không cần hướng dẫn viên du lịch, tôi thấy đây là cách làm rất hay của thành phố Lạng Sơn.
Song song với đó, sản phẩm du lịch của thành phố ngày càng được hoàn thiện, đa dạng, đi vào chiều sâu với nhiều loại hình như: du lịch văn hoá tâm linh; mua sắm; du lịch sinh thái nông nghiệp… Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến mô hình vườn nho tại Mai Pha, vườn dẻ tại Quảng Lạc; mô hình vườn ổi, dâu tây, cam tại phường Tam Thanh, xã Hoàng Đồng; mô hình du lịch vườn Đào tại xóm Bản Cao, xã Quảng Lạc.
Đặc biệt, từ năm 2020, UBND thành phố đã xây dựng sản phẩm du lịch mới “Phố đi bộ Kỳ Lừa” với không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thành phố Lạng Sơn kết hợp với dịch vụ thương mại, giới thiệu sản vật địa phương. Phố đi bộ Kỳ Lừa hoàn thiện và đi vào hoạt động định kỳ 8 ngày/tháng (vào thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần) từ 18 - 24 giờ. Từ khi hoạt động đến nay (từ 16/10/2020 đến 4/2023), phố đi bộ đã thu hút trên 350.000 lượt người đến tham quan.
Năm 2023, thành phố Lạng Sơn phấn đấu đón trên 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100.000 lượt khách quốc tế và trên 2,7 triệu lượt khách nội địa. Với những nỗ lực trên, tin tưởng rằng ngành du lịch thành phố sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra và có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.
Tuyết Mai