Bằng tâm huyết và tình yêu văn hóa dân tộc, hoạt động của Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Phố đi bộ Kim Đồng; tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khi đến với Cao Bằng. Đồng thời, các thành viên trong nhóm là lực lượng tiên phong trong việc truyền dạy hát Then - đàn tính và hỗ trợ các trường học trong đề án đưa hát Then vào trường học.
Cứ đến tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, không gian văn hóa tại Phố đi bộ Kim Đồng lại vang lên những giai điệu Then tính ngọt ngào. Cùng với các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác, các tiết mục hát Then - đàn tính của Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng là món ăn tinh thần, góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc cho du khách khi đến với Cao Bằng.
Chị Triệu Bích Phượng, Trưởng Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng (nguyên viên chức của Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch, đã nghỉ hưu), là người rất tâm huyết trong việc truyền dạy hát Then - đàn tính, biên soạn bộ tài liệu truyền dạy hát Then - đàn tính được cấp bản quyền tài liệu. Chị Phượng chia sẻ: Số lượng thành viên chính thức của nhóm hiện nay là 15 người (với độ tuổi có sự cân đối về các thế hệ, từ trên 20 đến trên 60 tuổi) và 5 cộng tác viên là thanh, thiếu niên trên địa bàn các huyện, thành viên nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi. Các thành viên hoạt động bằng tình yêu và tâm huyết với mong muốn bảo tồn, lan tỏa di sản văn hóa Then đến đông đảo người dân và du khách.
Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều thành phần dân tộc với kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc phong phú, đa dạng, trong đó di sản thực hành Then được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhận thức rõ vai trò của các di sản văn hóa, thời gian qua, tỉnh cũng như ngành văn hóa xây dựng nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định việc bảo tồn di sản Then là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh vùng đất, con người Cao Bằng, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Cao Bằng. Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 939/QĐ-UBND về Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025”. Thực hiện Đề án, Bảo tàng tỉnh thành lập Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về xây dựng mô hình thí điểm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch tại Thành phố.
Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng biểu diễn tại Phố đi bộ Kim Đồng
Để thành lập nhóm, Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, khảo sát lựa chọn lực lượng nòng cốt là những người yêu thích, có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Then - đàn tính; có khả năng, kinh nghiệm truyền dạy và biểu diễn hát Then - đàn tính, hoạt động theo nguyên tắc xã hội hóa. Các thành viên trong nhóm thường xuyên tổ chức tập luyện Then - đàn tính, biểu diễn phục vụ tại Phố đi bộ Kim Đồng hằng tuần; tích cực tham gia các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bảo tàng tỉnh và các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then tại địa phương gắn với phát triển du lịch. Để di sản Then được kế tục, duy trì, phát triển và trao truyền cho các thế hệ mai sau, nhóm còn hỗ trợ truyền dạy đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu học hát Then - đàn tính, hỗ trợ các trường học trong việc đưa di sản Then vào trường học. Từ khi thành lập đến nay, Nhóm truyền dạy cho 10 thành viên trong nhóm sử dụng đàn tính, hát các làn điệu Then cổ, Then cải biên, Then nâng cao. Tập luyện và dàn dựng 15 tiết mục, có biên đạo để phục vụ khách du lịch. Bằng kinh phí của đề án, Bảo tàng tỉnh hỗ trợ nhóm các trang thiết bị ban đầu để phục vụ hoạt động như: 1 bộ thiết bị âm thanh sử dụng biểu diễn lưu động; 15 bộ trang phục dân tộc Tày truyền thống; 1 bộ trang phục bà Then biểu diễn; 15 cây đàn tính; 2 bộ xóc nhạc.
Trước thực trạng nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó, những nghệ nhân am hiểu sâu sắc và đang nắm giữ “linh hồn” của các di sản đang giảm dần và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền, hoạt động biểu diễn và truyền dạy di sản Then của Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực nhằm bảo tồn các di sản văn hóa của tỉnh và phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xuân Thương