Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Đền Hùng

Cập nhật:27/11/2023 17:01:57
Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, riêng biệt của dân tộc Việt Nam, được gìn giữ, duy trì theo suốt chiều dài lịch sử, từ các triều đại phong kiến cho đến ngày nay.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khẳng định Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ trong quá khứ đến hiện tại vẫn luôn là di sản văn hóa độc đáo, có sức sống bền lâu, trường tồn cùng dân tộc.
 
Các công trình trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được tu bổ, tôn tạo, tạo không gian thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Anh Tú
 
Có thể nhận thấy, Di tích lịch sử Đền Hùng trong suốt hành trình hình thành và phát triển vẫn luôn được chính quyền địa phương, Nhà nước cùng cộng đồng quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo để làm nơi cho nhân dân thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đặc biệt dưới triều Nguyễn đã cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, sửa đường lên núi, khắc bia, làm thêm đồ tự khí và bốn gian quan cư cạnh Đền Thượng; xây thêm nhà Công quán, “xây lầu cổng dưới chân núi”...
 
Sau khi đất nước thống nhất, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và sự quan tâm của tỉnh Phú Thọ, các đền, chùa trên núi Nghĩa Lĩnh đã được tu bổ, tôn tạo nhằm phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng. Đến năm 2007 Đền Thượng, Lăng Hùng Vương được đại trùng tu và lần lượt các kiến trúc: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Giếng, Chùa Thiên Quang được đầu tư tu bổ, tôn tạo, đồng thời hoàn thiện các kiến trúc tín ngưỡng thờ các bậc tiền nhân gắn với Hùng Vương như: Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng trong quần thể Khu Di tích đã tạo nên một không gian tín ngưỡng linh thiêng, đẹp đẽ.
 
Những năm gần đây, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo như: Triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo không gian thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, xây dựng bổ sung các thiết chế văn hóa để Đền Hùng trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Các công trình được tu bổ khang trang trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc, trong đó có các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn công đức và xã hội hóa.
 
Thường xuyên thực hiện công tác tu bổ nhỏ: Chống thấm dột, ngói xô, chống mối,... tại các Đền: Hạ, Trung, Thượng, Giếng, Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ và Chùa Thiên Quang; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan khu vực ngã năm Đền Giếng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại Đền Hùng. Các hạng mục công trình được đầu tư theo dự án, phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cảnh quan, không gian đẹp tại Khu Di tích, đáp ứng cơ bản nhu cầu của đồng bào, du khách khi về thăm viếng Đền Hùng.
 
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của Di tích lịch sử Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong giai đoạn tiếp theo, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được xây dựng trong Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, giai đoạn 2021-2026.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản của Nhà nước về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ về công tác bảo tồn, quản lý di sản; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để trao truyền, bảo tồn, phát huy di sản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vừa tham gia bảo vệ di sản vừa là chủ thể thụ hưởng giá trị của di sản.
 
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về Đền Hùng, về thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
 
Thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo không gian thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đẩy nhanh triển khai các dự án được phê duyệt tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Kết nối mô hình trường học với du lịch, đưa di sản vào trường học, triển khai chương trình giáo dục về di sản lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
 
Bằng trách nhiệm, sự tâm huyết của những người trực tiếp làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong những năm qua, cán bộ, viên chức, người lao động Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều biện pháp để di sản luôn trường tồn và phát huy giá trị, để Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là điểm tâm linh về cội nguồn không thể thiếu đối với mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng tìm về Đất Tổ, là nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng có vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, từ đó di sản văn hóa quý báu này sẽ được người dân Việt tự nguyện thực hành và trao truyền qua các thế hệ, hòa cùng sự phát triển của dân tộc.
 
Lê Trường Giang
Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử - baophutho.vn