Sóc Trăng: Phấn đấu đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh

Cập nhật:08/12/2023 14:30:50
Thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU, ngày 04/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Cù Lao Dung cũng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển của huyện phát triển mạnh.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2030, đưa kinh tế biển và vùng ven biển huyện Cù Lao Dung phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện nhằm đạt các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế biển và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng ven biển và tình trạng sạt lở vùng ven biển ngày càng tăng. Tiến hành khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững du lịch sinh thái ven biển và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn huyện. Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa huyện Cù Lao Dung phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn với các huyện ven biển của tỉnh; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế của huyện; góp phần cùng tỉnh xây dựng thành tỉnh phát triển mạnh công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia, giải quyết các vấn đề về biển theo sự chỉ đạo của cấp trên.
 
Trong phát triển kinh tế biển và ven biển, phấn đấu đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên sau: nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; tài nguyên khoáng sản biển của huyện.
 
Về nuôi trồng và khai thác hải sản, sẽ thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bền vững, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt. Phát triển nuôi trồng thủy hải sản theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường nuôi bền vững. Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy hải sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ và tranh thủ sự đầu tư hạ tầng nghề cá từ cấp tỉnh.
 
Một trong những mục tiêu phát triển kinh tế biển của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là phát triển du lịch sinh thái khu vực các xã ven biển
 
Về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới, huyện sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ môi trường, phát triển rừng và phát triển du lịch sinh thái khu vực các xã ven biển.
 
Về du lịch và dịch vụ biển, sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn với một số loại hình như du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, phát triển mô hình du lịch cộng đồng (Homestay)...
 
Đối với công nghiệp ven biển, huyện tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, đặc biệt phát triển các ngành có khả năng cạnh tranh thị trường và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến nông sản, năng lượng sạch. Tạo điều kiện hỗ trợ người dân sinh sống khu vực ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại đến biển, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, khai thác một cách có hiệu quả từ rừng, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
 
Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản biển thì phối hợp với các ngành chức năng điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển nhằm nâng cao hiệu quả giữa khai thác và chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
 
Cùng với đó, huyện Cù Lao Dung cũng đảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Xây dựng lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện bảo đảm thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vùng biển, ven biển vững mạnh; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên vùng biển. Nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để đấu tranh, chống phá. Tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ từ cấp trên để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó, chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực.
 
Phước Liêu
Nguồn: Báo Sóc Trăng điện tử - baosoctrang.org.vn