“Du lịch tăng trưởng vượt bậc” là 1 trong 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2023 do VTV bình chọn

Cập nhật:02/01/2024 17:01:26
(TITC) - Ngày 30/12, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã công bố 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2023. Đây đều là những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nổi bật, có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có đóng góp từ sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch.
 
Khách quốc tế đến Việt Nam (Ảnh: Báo Chính phủ)
 
Lựa chọn “Du lịch tăng trưởng vượt bậc” là một trong 10 sự kiện nổi bật của đất nước năm 2023, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam đánh giá: con số đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế năm nay vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt đặt ra đầu năm, dù một số thị trường truyền thống chưa phục hồi hoàn toàn. Cùng với đó là hơn 108 triệu lượt khách nội địa, vượt xa con số thời hoàng kim 2019. Doanh thu trên 678 nghìn tỷ đồng.
 
VTV khẳng định những con số ấn tượng trên nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của ngành Du lịch cùng chính sách thị thực thông thoáng hơn.
 
Dưới đây là danh sách 10 sự kiện nổi bật trên các lĩnh vực của đất nước trong năm qua do Ban Thời sự VTV bình chọn:
 
1. Thành tựu đối ngoại 2023
 
Năm 2023 chứng kiến những thành công vượt bậc của ngành đối ngoại khi Việt Nam cùng lúc đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, lãnh đạo cao nhất của 2 cường quốc đứng đầu thế giới. Tuyên bố chung về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Nhật Bản cùng các hoạt động đối ngoại quan trọng khác cho thấy tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam nói chung, chính sách ngoại giao nước lớn nói riêng, đồng thời góp phần khẳng định cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
 
2. Nâng cao chất lượng công tác lập pháp
 
Trong năm 2023, Quốc hội đã tổ chức 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường, thông qua 16 luật, 34 Nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những vướng mắc, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc chưa thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi cho thấy sự thận trọng và trách nhiệm của Quốc hội. Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về quản lý và sử dụng đất, dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến toàn dân với 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Điều này thể hiện việc phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân đối với một vấn đề tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội.
 
3. Đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
 
Vụ án Vạn Thịnh Phát được coi là một kỷ lục với cáo buộc về hàng loạt hành vi vi phạm như lập hơn 1.000 công ty "ma" trong và ngoài nước, gần 90 bị can là cựu lãnh đạo cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Số tiền bị chiếm đoạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong vụ án này lớn gấp 3 lần tổng mức đầu tư "siêu dự án" sân bay Long Thành và gấp 7 lần tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam. Đây là 1 minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong năm 2023 tiếp tục đạt những đột phá mới.
 
4. Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy giải ngân đầu tư công
 
Việt Nam 2023 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, với quy mô thương mại nằm trong top 20 của thế giới. Đồng thời, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
 
Tăng trưởng GDP năm nay đạt 5,05% cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình thế giới và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng cho đất nước.
 
5. Đột phá hạ tầng giao thông
 
Những ngày cuối năm 2023, lần đầu tiên cùng lúc khánh thành và thông tuyến 4 hạ tầng giao thông quan trọng, đó là: Mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, có tổng số vốn đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Cũng lần đầu tiên, gần 1.000 km dự án đường bộ cao tốc được khởi công đồng loạt. Đưa vào khai thác mới 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số hệ thống đường cao tốc khai thác của cả nước lên 1.900 km. Đây chính là những điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu đưa 3.000 km đường cao tốc vào vận hành trong năm 2025. Sân bay Long Thành cũng đang dần hình thành. Đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng đã và đang được bàn bạc để xây dựng dự án.
 
6. Xuất khẩu nông sản với nhiều kỷ lục mới
 
Hơn 9.000 đồng/kg lúa là con số kỷ lục từ trước tới nay. Lần đầu tiên sau 34 năm, giá gạo xác lập mốc xuất khẩu kỷ lục 8,3 triệu tấn, đem về cho đất nước gần 5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng ghi dấu ấn kỷ lục gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước. Nhìn chung, xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đặc biệt thặng dư thương mại 12 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay. Nông nghiệp tăng trưởng trên 3,8% cao nhất trong 10 năm qua gồm cả lúa gạo, thịt và thủy sản. Xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.
 
7. Du lịch tăng trưởng vượt bậc 
 
12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu đặt ra đầu năm, dù một số thị trường truyền thống chưa phục hồi hoàn toàn.
 
Hơn 108 triệu lượt khách nội địa, vượt xa con số thời hoàng kim 2019. Doanh thu trên 678 nghìn tỷ đồng.
 
Những con số ấn tượng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của ngành Du lịch cùng chính sách thị thực thông thoáng hơn.
 
8. Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B 
 
Từ ngày 20/10/2023, bệnh Covid-19 được điều chỉnh chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe gây quan ngại quốc tế. Đây là một thành công lớn của Việt Nam khi phải đối mặt với một khó khăn chưa có tiền lệ.
 
9. Cháy chung cư mini - Tiếng chuông cảnh tỉnh 
 
56 người thiệt mạng trong 1 vụ cháy. Chưa bao giờ số người chết trong 1 vụ cháy nhà ở đô thị tại nước ta lại cao như vậy.
 
Ngôi nhà phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, loại hình nhà ở nhiều căn hộ, hơn 200m2 mặt sàn cấp phép 6 tầng nhưng xây trái phép lên đến 9 tầng. Bít bùng không lối thoát hiểm. Những cánh cửa sổ chuồng cọp hàn kín. Thảm kịch khiến không ai không cảm thấy rùng mình. 
 
Còn bao nhiêu toà nhà bít bùng, sâu trong ngõ, cấp phép một đằng xây một nẻo và không đáp ứng cơ bản mọi tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy như thế này.
 
10. Đổi mới sáng tạo - Động lực tăng trưởng mới
 
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam được khánh thành trong năm nay. Nó có thể được coi là 1 điểm nhấn hiện hữu trong quyết tâm đổi mới sáng tạo của nước ta. Là hạt nhân với 8 Mạng lưới đổi mới sáng tạo thành phần, mở ra cái bắt tay với trên 1.600 chuyên gia, nhà sáng lập, kỹ sư, nhà khoa học công nghệ cao toàn cầu. Nơi sẽ tham gia đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn Việt Nam và thế giới.
 
Năm 2023, Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch