Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh nhà, Đồng Tháp quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch. Đến nay, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.
Khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc
Đồng thời, tỉnh xây dựng và triển khai Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu của tỉnh như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu du lịch văn hóa Phương Nam...
Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 96 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với tổng số 1.964 phòng. Trong đó có 53 khách sạn được xếp hạng từ 1- 3 sao, với tổng số 1.505 phòng. Tổng số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 290 phương tiện vận chuyển khách du lịch lịch bằng đường bộ và đường thủy.
Đồng Tháp còn quan tâm phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng các khu di tích, điểm du lịch. Thời gian qua, các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, thay mới các trang thiết bị tiện nghi khang trang, chất lượng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp... xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; mở tuyến tham quan mới (theo mùa). Đồng thời tăng cường thêm dịch vụ vận chuyển khách tham quan bằng xe bò, tổ chức show dạy nấu ăn cuối tuần cho khách trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; tổ chức dịch vụ xe điện vận chuyển khách tham quan Làng hoa kiểng Sa Đéc... thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Khai thác lợi thế sẵn có, Đồng Tháp còn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề. Theo đó, tỉnh phát triển được 72 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và trải nghiệm làng nghề tại các huyện, thành phố. Nhiều mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Giai đoạn 2017-2022, các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh tổ chức đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn khách du lịch (trên 4,3 triệu lượt khách), tổng doanh thu đạt 519 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh đón trên 4 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng (trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề thu hút 800.000 lượt khách, doanh thu đạt 150 tỷ đồng).
Thời gian qua, việc thúc đẩy công tác xã hội hóa tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch được tiến hành có hiệu quả. Theo đó, tỉnh quan tâm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với từng loại hình dịch vụ du lịch và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở. Trong đó, chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề du lịch, các nghiệp vụ cần thiết phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn mới; tập huấn kiến thức phát triển du lịch cộng đồng cho các hộ dân tham gia khai thác dịch vụ du lịch và dịch vụ bổ trợ nhằm giúp các hộ làm du lịch ngày càng phục vụ chuyên nghiệp hơn.
Công tác đào tạo du lịch được chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Tập trung đào tạo các kỹ năng mềm, kiến thức về quản lý điểm đến, kỹ năng giao tiếp và quy trình đón tiếp, phục vụ khách, tiếp thị quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm... hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch ngày càng được củng cố, tăng cường về quy mô, phạm vi hoạt động, chất lượng và đạt hiệu quả. Với những kết quả đó bước đầu khẳng định vị thế du lịch của tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thu hút ngày càng nhiều du khách và các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát...
Y Du