Quảng Trị: Bảo đảm an toàn, văn minh mùa lễ hội xuân Giáp Thìn

Cập nhật:02/02/2024 10:00:14
Dịp tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao và lễ hội truyền thống mừng Đảng, mừng xuân. Thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội, tạo không khí vui tươi, an toàn,song vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của địa phương.
 
Hội đua thuyền được tổ chức vào các dịp lễ, Tết trên địa bàn huyện Hải Lăng trở thành nét văn hóa truyền thống - Ảnh: T.T
 
Trung tuần tháng Chạp năm Quý Mão, Ban chỉ đạo điều hành lễ hội chợ Đình thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong tổ chức họp bàn để phân công nhiệm vụ cho các tiểu ban, chuẩn bị cho lễ hội chợ Đình Bích La vào tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
 
Ngoài phần lễ truyền thống, năm nay phần hội với các hoạt động phong phú như: tổ chức viết thư pháp, thi viết chữ đẹp, cờ tướng, gói bánh chưng, bánh tét, hội bài chòi, văn nghệ “làng vui chơi, làng ca hát” được tổ chức từ đêm mồng 2 đến hết ngày mồng 3 Tết.
 
Trưởng thôn Bích La Đông Lê Cảnh Phong cho biết: “Phiên chợ Đình Bích La là lễ hội độc đáo, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào đêm mồng 2 đến sáng mồng 3 tết Nguyên đán tại đình làng. Mặc dù là lễ hội truyền thống của dân làng Bích La, xã Triệu Thành nhưng đến nay, phiên chợ Đình Bích La đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương tham gia cầu lộc, cầu tài đầu năm.
 
Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội chợ Đình Bích La tết Nguyên đán Giáp Thìn đã cơ bản hoàn thành. Ngoài phần lễ, hội được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, phong phú các hoạt động để thu hút khách thập phương tham gia, chúng tôi cũng phân công các lực lượng tham gia trực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội”.
 
Tại huyện Gio Linh, ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức ở các địa phương, một số lễ hội truyền thống đặc sắc sẽ là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách gần xa tham gia.
 
Năm nay, huyện Gio Linh chỉ đạo địa phương nâng tầm tổ chức bài bản, trang nghiêm lễ thượng nêu và hạ nêu tại các đình làng Tân Văn, Gia Bình, Long Sơn, Hảo Sơn, An Nha, An Hướng (xã Gio An), trong đó lễ thượng nêu được tổ chức vào sáng 04/02/2024 (25/12 âm lịch), hạ nêu vào ngày 4 Tết.
 
Đặc biệt, lễ hội đu của làng Hà Lợi Trung, xã Trung Giang sẽ được phục dựng tổ chức sau hơn 10 năm vắng bóng. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống của huyện như: hội Cù ở xã Gio Mỹ, hội Bài chòi ở xã Hải Thái... tiếp tục được các địa phương tổ chức bài bản.
 
“UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao, lễ hội truyền thống mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn năm 2024. Quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết.
 
Với phương châm các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn chào đón năm mới 2024 phải được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, các địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu của địa phương nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
 
Ở quy mô cấp tỉnh, từ ngày 30/01-09/02/2024, hội hoa xuân sẽ được TP. Đông Hà đăng cai tổ chức tại Công viên Fidel. UBND TP. Đông Hà đã có quyết định phê duyệt phương án khai thác, sử dụng tạm thời mặt bằng Công viên Fidel để tổ chức hội hoa xuân, trong đó phân ra 70 lô quầy cho thuê kinh doanh hoa, cây cảnh với mức giá từ 5,1 - 7,9 triệu đồng/lô tùy theo diện tích.
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón giao thừa tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Ngoài ra, từ ngày 04-14/02/2024 sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là phục vụ các chiến sĩ, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Để việc tổ chức lễ hội đầu xuân Giáp Thìn đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, Sở đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính.
 
Tăng cường việc quản lý thu, chi công đức, lệ phí, dịch vụ đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và đúng quy định. Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng, trái với thuần phong mỹ tục, trái với quy định về thực hiện nếp sống văn minh”.
 
Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phục vụ khách du lịch trong dịp tết Nguyên đán, bố trí đủ lực lượng, thực phẩm, hàng hóa và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường.
 
Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc tổ chức lễ hội để kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, tăng giá, ép giá, các hoạt động cờ bạc, ăn xin và các hành vi vi phạm pháp luật khác diễn ra trong quá trình tổ chức lễ hội trên địa bàn. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo trong dịp tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của địa phương.
 
Thanh Trúc
Nguồn: Báo Quảng Trị Online - baoquangtri.vn