Hà Nam: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Cập nhật:16/02/2024 15:26:39
Theo sử sách, mùa xuân năm Đinh Hợi (tức năm 987), vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Đọi Sơn để tổ chức lễ Tịch điền, nhằm khuyến khích, nhắc nhở thần dân coi trọng, chăm lo sản xuất nông nghiệp - cái gốc của sự ấm no, hạnh phúc. Noi theo tiền nhân, năm 2009, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã được phục dựng ngay trên khu ruộng dưới chân núi Đọi mà xưa kia Vua Lê Đại Hành đã đi những sá cày đầu xuân cho nhân dân vào vụ mới.
 
Nghi thức cày ruộng tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023
 
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn hằng năm được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Giêng với đầy đủ nghi lễ và các hoạt động hội truyền thống. Mở đầu lễ hội là lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành từ trên chùa Đọi xuống. Đoàn rước khi xuống đến chân núi sẽ nhập với đoàn rước kiệu Thành hoàng và Tổ nghề trống về đàn tế trên sân Tịch điền. Sau lễ rước kiệu với đầy đủ màu sắc là màn trống khai hội sôi nổi, rộn rã của các cô, các chị làng nghề trống Đọi Tam.
 
Trên nền tiếng trống hội là màn múa rồng mừng hội của nhân dân thôn Đọi Tín. Vào nghi lễ chính thức, một vị bô lão của xã Tiên Sơn đọc văn trình. Sau nghi lễ dâng hương lên đàn tế Thần Nông linh vị Vua Lê và các vị phúc thần, một vị bô lão (đã thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương) bước xuống đi những sá cày đầu tiên mở hội Tịch điền. Vị bô lão đi ba sá cày, các vị lãnh đạo, đại biểu tỉnh đi năm sá cày, các vị lãnh đạo thị xã Duy Tiên, lãnh đạo xã Tiên Sơn và các bô lão đi những sá cày tiếp theo trên cánh đồng Kim ngân điền để mở đầu cho một năm sản xuất mới.
 
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai xuân động thổ”, cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, là niềm mong đợi không chỉ của người dân tỉnh Hà Nam mà còn của nhân dân cả nước.
 
Qua 15 năm phục dựng và tổ chức lễ hội Tịch điền, đến nay công tác tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp, nhuần nhuyễn theo kịch bản tổng thể của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Các nghi lễ và hoạt động trong lễ hội do các tăng ni, phật tử, các bô lão, ban khánh tiết của các di tích và nhân dân trên toàn xã Tiên Sơn thực hành nghiêm túc, quy củ.
 
Phát biểu tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia, ông Nguyễn Văn Lượng, Bí thư Thị ủy Duy Tiên cho rằng: Phát triển du lịch là một trong những giải pháp bền vững để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tiểu vùng Đọi Sơn cũng như lễ hội Tịch điền. Thời gian tới, địa phương sẽ cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu cho tỉnh Hà Nam triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, Quy hoạch không gian lễ hội Tịch điền làm cơ sở triển khai các dự án, kế hoạch gần phát triển du lịch với di sản văn hóa của tiểu vùng Đọi Sơn tạo sự đặc thù dựa vào những giá trị nổi bật, chân thực về di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương.
 
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thị xã Duy Tiên tổ chức lễ hội Tịch điền phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động trong lễ hội với mục tiêu vừa kết hợp truyền thống, vừa kết hợp tính hiện đại cho lễ hội; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch; khuyến khích đầu tư, mở rộng quy mô, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
 
Với những tiềm năng lễ hội Tịch điền sẵn có, cùng sự quan tâm định hướng, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở; truyền thống văn hóa đoàn kết, đồng lòng của người dân thị xã Duy Tiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian lễ hội Tịch điền gắn với du lịch sẽ mang lại những giá trị to lớn, bền vững cho kinh tế-xã hội của thị xã Duy Tiên nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.
 
Bài và ảnh: Đào Phương
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử - nhandan.vn