Để du lịch Huế bắt kịp thời cơ, tăng tốc phát triển

Cập nhật:05/02/2024 16:59:36
Trong cuộc đua khốc liệt giành thị phần du lịch sau đại dịch COVID-19, muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh để thu hút du khách, du lịch Huế vẫn còn nhiều việc phải làm để bắt kịp thời cơ, tạo ra những bước phát triển đột phá.
 
Truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch của Huế là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn
 
Tăng trưởng, nhưng vẫn lo
 
Năm 2023, bức tranh du lịch Thừa Thiên Huế rất sáng sủa khi thu hút gần 3,2 triệu lượt khách, tăng 54,4% so với năm 2022; trong đó có gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 345% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2022.
 
So với năm 2022, du lịch Huế rõ ràng đang trên đà tăng trưởng, nhưng so với thời điểm trước dịch COVID-19, du lịch Huế vẫn chưa trở lại "là chính mình". Minh chứng là năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Cố đô Huế đạt hơn 4,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,1 triệu lượt.
 
Với những ai yêu mảnh đất Cố đô và mong muốn du lịch Huế phát triển thì sức tăng trưởng của du lịch miền Hương Ngự có mừng nhưng cũng có lo. Sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khách sau đại dịch cho thấy những chiến lược mà ngành du lịch đang đi đúng hướng. Song, Thừa Thiên Huế còn khá ít thời gian để chạm mốc mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU (về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030) ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy.
 
Nhìn vào những địa phương lân cận, sức hút du khách đang rất ấn tượng. Điển hình như tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 đạt 4,5 triệu lượt, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ 2022 và đạt 128,86% kế hoạch năm 2023. Hay địa phương nằm cạnh Huế là Đà Nẵng trong năm 2023 có tổng lượt khách du lịch do cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ đạt 7,94 triệu lượt, tăng 98,4% so với năm 2022.
 
Trong một chia sẻ đầy trăn trở, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, nếu chỉ so sánh với chính mình hôm qua thì có thể thấy hôm nay đang có những bước tiến. Nhưng khi các địa phương bạn tiến nhanh, tiến mạnh mà mình chỉ hơn bản thân ngày hôm qua, thì có thể sẽ chậm bước. Du lịch không nằm ngoài quan điểm đó, phải xét toàn diện trên tất cả các mặt, chứng minh được sức tăng trưởng bằng những con số thật sự ấn tượng.
 
Nắm bắt thời cơ, tăng tốc phát triển
 
Làm sao để du lịch Huế tiến nhanh, tiến mạnh không chỉ là trăn trở của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, những người làm du lịch mà đó còn là mong muốn của những người con xứ Huế, những người yêu Huế.
 
Nhận diện được điểm nghẽn trong du lịch từ tình hình thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 lên 90 ngày, tạo điều kiện để người nước ngoài có thêm thời gian trải nghiệm và khám phá đất nước Việt Nam. Từ ngày 15/8/2023, công dân của những nước được miễn thị thực đơn phương có thời hạn miễn thị thực nhập cảnh tại Việt Nam kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc nới lỏng chính sách thị thực sẽ tạo cú huých vào thị trường khách quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, đây là cơ hội để thu hút khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú của khách.
 
Từ những chính sách vĩ mô, địa phương cũng cần có những giải pháp bắt kịp thời cơ, tăng tốc phát triển. Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng quyết định đến lựa chọn của du khách. Dựa vào tiềm năng, tài nguyên du lịch địa phương, ngành du lịch Thừa Thiên Huế và các đơn vị, doanh nghiệp cần nghiên cứu, đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Với những đặc trưng riêng, địa phương cần xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau.
 
Hiện, chuyển đổi số đang được xem là “chìa khóa” cho ngành du lịch bứt phá. Ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý, sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, phù hợp với biến động của thị trường và theo kịp sự phát triển của công nghệ như tạo ra dịch vụ du lịch ảo, du lịch mô phỏng…
 
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng của địa phương đang nỗ lực xây dựng, như: “Huế - Thành phố lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai Đề án Festival 4 mùa; phối hợp với TP. Huế nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm ở thành phố Huế và phụ cận, nhất là các tại tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố và các điểm tham quan mới. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường.
 
Bài, ảnh: Hữu Phúc
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế Online - baothuathienhue.vn