Ẩm thực địa phương luôn được xem là thế mạnh của điểm đến du lịch. Vì thế các doanh nghiệp, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch, góp phần làm phong phú thêm chuỗi sản phẩm của điểm đến, đáp ứng phần nào nhu cầu và thị hiếu của du khách.
Các đầu bếp của một số khách sạn trên địa bàn thành phố đang chế biến món mì Quảng tại sự kiện Mì Quảng chuẩn vị do Sở Du lịch tổ chức năm 2023. Ảnh: Thu Hà
Đưa Đà Nẵng trở thành bếp ăn du lịch thế giới
Trước đây, để giới thiệu, quảng bá các món ăn địa phương, ngành du lịch thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động sự kiện lớn như Lễ hội Ẩm thực Quốc tế Đà Nẵng 2019; Ngày hội ẩm thực Đà Nẵng nằm trong chuỗi sự kiện lễ hội Tận hưởng mùa hè hằng năm; Hội thi “Mì Quảng chuẩn vị” và mới đây là Lễ hội Văn hóa ẩm thực Tết Quảng Đà”… chủ yếu giới thiệu các món ăn địa phương như mì Quảng, bánh xèo, bún chả cá, bánh tráng cuốn thịt heo, gỏi cuốn…
Những nỗ lực trên đã phần nào quảng bá được các món ăn tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo những người làm du lịch thì cần phải quảng bá một cách chuyên nghiệp hơn nữa, hình thành các chuỗi sản phẩm ẩm thực để du khách có thể thưởng thức thường xuyên thay vì phải đợi đến những dịp có lễ hội.
Nắm bắt được điều này, mới đây khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị liên quan công bố chuỗi sự kiện ẩm thực “Hành trình ẩm thực Việt” với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú nhằm quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.
Cụ thể, trong năm 2024 “Hành trình ẩm thực Việt” mỗi quý một lần sẽ diễn ra chương trình trình diễn chế biến các món ăn của 4 đầu bếp hàng đầu Việt Nam và đêm tiệc ẩm thực phục vụ du khách. Các chủ đề của chuỗi sự kiện gồm: quý 1 - mùa Xuân: Cội nguồn Việt - Nghệ nhân di sản Việt; quý 2 - mùa Hè: Hương biển “Đà” - phong vị “Việt”; quý 3 - mùa Thu - Đồng vọng Phù sa; quý 4- mùa Đông: Tết Việt”, Tết “Furama”. Ngoài ra còn có đêm Tinh hoa hội ngộ 12 nghệ nhân di sản Việt “Xác lập kỷ lục châu Á”.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, không phải đến bây giờ ngành du lịch thành phố mới giới thiệu ẩm thực như là một sản phẩm du lịch mà trước đó đã bắt đầu hành trình đưa ẩm thực Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung ra với thế giới bằng cách xuất bản những cuốn sách về các món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt hoặc bằng các lễ hội ẩm thực được tổ chức thường niên, trong đó lồng ghép những câu chuyện về văn hóa Việt Nam các vùng miền vào các món ăn. Thông qua các món ăn, du khách vừa thưởng thức ẩm thực, vừa thưởng thức văn hóa địa phương. Điều này sẽ giúp phát triển du lịch một cách bền vững bởi thông qua món ăn du khách sẽ nhớ tới điểm đến Đà Nẵng, nhớ tới những nét đặc trưng riêng của thành phố biển.
“Bằng cách kể những câu chuyện về văn hóa ẩm thực thông qua các món ăn, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành bếp ăn du lịch thế giới. Khi đó câu chuyện ẩm thực của du khách không chỉ đơn thuần là ăn mà còn nghe, cảm nhận văn hóa, lịch sử của món ăn… và những điều này được thể hiện, thấu hiểu qua hành trình cảm nhận về văn hóa, về ẩm thực địa phương”, ông Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ.
Nâng tầm các món ăn địa phương
Nhà nghiên cứu Văn hóa Ẩm thực Việt Nam Lê Tân cho rằng, mỗi địa phương của miền Trung đều có những đặc sản riêng biệt, không lẫn với những nơi khác mà du khách chỉ có thể thưởng thức khi đặt chân đến vùng đất đó. Vì thế việc tổ chức những chuỗi sự kiện liên tiếp nhau sẽ góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống của ẩm thực. Việc lồng ghép các giá trị văn hóa vào ẩm thực sẽ giúp nâng tầm các món ăn địa phương, làm sao để du khách đến Việt Nam phải thưởng thức các món ăn của địa phương, điểm đến. Bên cạnh đó có sự tham gia của các đầu bếp chuyên nghiệp, nổi tiếng trong nước sẽ biến tấu, sáng tạo các món ăn Việt Nam phù hợp với phong vị của du khách trong và ngoài nước để đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam tiến xa hơn trên trường quốc tế, được đông đảo du khách biết đến hơn.
Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, giữa năm 2023 thành phố đã ban hành Kế hoạch Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030 trong đó có chia thành các giai đoạn với nhiều nội dung, hoạt động. Đồng thời, trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, hội, hiệp hội khai thác các chương trình du lịch ẩm thực đặc sắc của Đà Nẵng. Trước mắt khảo sát phân loại, xây dựng bản đồ ẩm thực Đà Nẵng và tổ chức truyền thông; hỗ trợ tập huấn chế biến món ăn chuẩn vị vùng miền, tổ chức các cuộc thi ẩm thực, phát động khởi nghiệp, tổ chức vinh danh các địa chỉ ẩm thực, chuẩn hóa bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố; khuyến khích các cơ sở ẩm thực có hình thức trang trí, tạo điểm chụp hình lưu dấu (check-in) và xây dựng câu chuyện về món ăn, trình diễn chế biến món ăn cho khách tham gia trải nghiệm.
“Để quảng bá hơn nữa ẩm thực của địa phương, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng phối hợp đẩy mạng hoạt động xúc tiến, quảng bá ẩm thực địa phương trên các kênh truyền thông mà trung tâm phụ trách và các kênh mang tính liên kết. Trung tâm cũng sẽ liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để đẩy mạnh lan tỏa các thông tin liên quan đến ẩm thực tới đông đảo các thị trường khách; xây dựng video mới về các món ăn đặc trưng của Đà Nẵng như bún mắm, mì Quảng, bánh xèo; mời các đầu bếp nổi tiếng trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng trải nghiệm và chia sẻ cảm nhận về các món ăn địa phương…”, bà Hương Lan chia sẻ.
Thu Hà