Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Cập nhật:27/02/2024 16:50:24
Thừa Thiên Huế bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.
 
Lễ hội đền Huyền Trân công chúa vào dịp đầu năm trở thành nét đẹp văn hóa tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước
 
Một con số thống kê tương đối, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 500 lễ  hội. Trong đó có gần 100 lễ hội được thống kê, lập hồ sơ và đưa ra quảng bá, phục vụ du lịch. Đây được xem như một kho tàng cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
 
Độc đáo lễ hội ở vùng đất Cố đô
 
Việc phân loại lễ hội được phân chia thành lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Ngoài ra, việc quản lý tổ chức lễ hội còn quan tâm, phối hợp điều chỉnh các lễ hội thuộc Luật Tôn giáo Tín ngưỡng đối với các lễ hội như đại lễ Phật đản, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu…
 
Nhắc đến lễ hội ở Huế không thể không nhắc đến lễ hội cung đình thời Nguyễn. Theo TS. Huỳnh Thị Anh Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trong các sinh hoạt văn hóa cung đình mang tính lễ nghi dưới thời Nguyễn ở Huế, ngoài những hình thức nghi lễ tế tự còn có các lễ triều hội như lễ đăng quang, lễ mừng thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban sóc, lễ vào các dịp tết Nguyên đán, Đoan dương… mà phần “hội” được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, chỉ một số rất ít trong số các lễ triều hội trên đây được lựa chọn để “tái hiện” nhưng không đầy đủ như lễ Ban sóc, lễ thiết triều và thường chỉ diễn ra trong một bối cảnh mang nặng yếu tố dàn dựng, sân khấu hóa.
 
“Riêng các nghi lễ tế Giao và tế Xã tắc được đầu tư quy mô hơn, bài bản hơn với các chi tiết về lễ vật, sớ cúng, cách bài trí, các quy định về trang phục và thời gian… và đều mang nặng phần “lễ” hơn là phần “hội”. Vì thế, đối với các hình thức này, việc sử dụng cụm từ “nghi lễ cung đình” có lẽ sẽ phù hợp hơn cách gọi “lễ hội cung đình”, TS. Anh Vân nhận định.
 
Cũng theo bà Vân, kể từ sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới, sự nhìn nhận đánh giá về triều Nguyễn có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong khoảng hơn hai thập niên gần đây, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình Huế được chú trọng nhiều hơn với những hình thức “tái hiện”, “phục dựng” một số lễ hội cung đình. Thế nhưng, quá trình phục dựng này còn mang đậm hình thức quảng diễn và chưa trở thành những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng nên chưa có sức sống lâu bền.
 
Với người dân Huế, lễ hội mang tính tôn giáo - tín ngưỡng quan trọng không kém. Có thể kể đến lễ hội Phật đản sinh, lễ Vu lan (Phật giáo), lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh (Thiên Chúa giáo), lễ hội rước Mẫu dịp mồng 3 tháng Ba, lễ hội điện Huệ Nam và thu tế đình làng Hải Cát (lễ hội tín ngưỡng)…
 
Theo ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên nâng tầm sự kiện lễ hội lên thành một chuỗi sự kiện, là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của các vùng, miền văn hóa tiêu biểu của cả nước và khắp châu lục. Trong đó tập trung giới thiệu và tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu của địa phương.
 
Ông Dũng cho rằng, các lễ hội tổ chức ở Huế được nghiên cứu công phu và việc tổ chức đảm bảo sự chuẩn xác những yếu tố gốc ban đầu. Ngoài ra, các lễ hội tại Huế đều gắn liền với các di tích lịch sử, các không gian mà nơi đó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Việc tổ chức các lễ  hội tại các không gian văn hóa này đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.
 
Xã hội hóa các lễ hội
 
Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, công tác quản lý tổ chức lễ hội được triển khai đồng bộ đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, ban tổ chức lễ hội, giúp cho các lễ hội được triển khai đúng quy định. Các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội đã từng bước được khắc phục, tiến tới xóa bỏ.
 
Các địa điểm vui chơi giải trí gắn liền với hoạt động lễ hội, các dịch vụ tại chỗ như giữ xe, ẩm thực, quà lưu niệm, các trò chơi dân gian đã được đưa vào quản lý, niêm yết giá, kiểm định y tế… đảm bảo không để xảy ra các hoạt động biến tướng trong lễ hội.
 
Theo ông Hải, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội lớn cấp tỉnh và cấp huyện được sử dụng từ ngân sách nhà nước, riêng đối với các lễ hội nhỏ cấp làng, xã thì dựa vào nguồn xã hội hóa từ đóng góp của cộng đồng sở tại. Trong những năm qua, các lễ hội lớn như Festival bốn mùa, Festival nghề truyền thống, các lễ hội lớn như lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội Lăng Cô vịnh đẹp thế giới, lễ hội Thuận An biển gọi, Hương xưa làng cổ Phước Tích, sóng nước Tam Giang đều đã thu hút được các nguồn xã hội hóa lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
Từ năm 2023, sau khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính ban hành, các ban tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai đúng thời gian và nội dung quy định. Trong đó, ban tổ chức lễ hội điện Huệ Nam là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện thành lập Ban Tài chính với tài khoản riêng và lập sổ sách tài chính có báo cáo minh bạch, rõ ràng.
 
Thông tư cũng ràng buộc việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho các lễ hội truyền thống nếu có. Do đó, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát tham mưu phân loại lễ hội để ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ kinh phí.
 
Bài, ảnh: Phan Thành
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online - baothuathienhue.vn