Không chỉ sở hữu hệ thống di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu giá trị, Điện Biên còn đang lưu giữ nhiều nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng đặc trưng với điểm nhấn là các lễ hội truyền thống giàu bản sắc. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để tỉnh đẩy mạnh thu hút khách du lịch thông qua những sản phẩm độc đáo khai thác các giá trị văn hóa lễ hội.
Lễ hội đua thuyền đuôi én ở Điện Biên thu hút đông nhân dân và khách du lịch. (Ảnh Ngọc Thủy)
Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83%, Điện Biên là một trong những tỉnh Tây Bắc có số lượng các lễ hội dân gian phong phú nhất. Tiêu biểu phải kể tới lễ hội đua thuyền đuôi én, lễ cầu mùa-dân tộc Khơ Mú, lễ hội thành Bản Phủ, lễ nhảy lửa-dân tộc Dao, hội xuân Phìn Hồ, lễ hội hoa ban...
Gắn liền với lễ hội là nhiều loại hình văn hóa giàu có về thể loại, độc đáo về giá trị, như: các điệu múa khèn, múa ô, múa khăn của dân tộc Mông; múa chuông, nhảy lửa của dân tộc Dao; múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái; những làn điệu dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc của dân tộc Si La, Hà Nhì, Khơ Mú...
Không chỉ góp phần bảo tồn những nét đẹp trong tập tục, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, việc duy trì tổ chức những lễ hội còn gắn với niềm tự hào của người dân Điện Biên và là chất liệu dồi dào để phát triển du lịch văn hóa địa phương, gia tăng những trải nghiệm của du khách khi muốn tìm hiểu về văn hóa điểm đến.
Những năm gần đây, việc khai thác các giá trị của lễ hội để thu hút du khách ngày càng được tỉnh Điện Biên chú trọng, bằng chứng là công tác tổ chức các lễ hội không ngừng được nâng cao chất lượng theo hướng bảo đảm văn minh, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường.
Du lịch lễ hội đã trở thành một thành tố đặc sắc trong các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của địa phương. Một số doanh nghiệp lữ hành cũng đã đưa hoạt động khám phá lễ hội vào hành trình tour để tạo nên những trải nghiệm mang tính điểm nhấn cho du khách.
Nhiều lễ hội như lễ hội hoa ban, lễ hội thành Bản Phủ, lễ hội đua thuyền đuôi én, lễ hội hoa anh đào... đã thu hút được đông đảo du khách gần xa, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên, đóng góp vào thành tích chung của toàn tỉnh với dấu ấn lần đầu đón hơn 1 triệu lượt du khách trong năm 2023, tăng gần 25% so với năm 2022, mang lại doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị từ lễ hội của tỉnh Điện Biên vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Đóng góp tham luận cho Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa phối hợp tổ chức tại Điện Biên, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Lương Đức Thắng cho rằng: Thời gian qua, dù hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được thực hiện nghiêm túc, phù hợp truyền thống, quảng bá được những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới du khách, song phần lớn mới chỉ tập trung cho phần lễ, chưa có nhiều hoạt động phong phú cho phần hội cho nên chưa thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân và du khách.
Công tác xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với chương trình tổ chức lễ hội còn hạn chế. Một số di tích, lễ hội chưa quy hoạch được khu vực bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, chưa có biện pháp dự báo lượng du khách tham dự lễ hội để có kế hoạch xây dựng các công trình bảo đảm công năng phục vụ nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Bích Xuân (Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ), do thời gian tổ chức các lễ hội ở Điện Biên khá ngắn, lại thường trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của nhiều địa phương khác, thêm nữa phần lớn chỉ giới hạn ở không gian làng xã, tổ chức đơn lẻ, tản mát cho nên việc khai thác để đưa vào các tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch ở những điểm diễn ra lễ hội chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới chưa thu hút và giữ chân du khách, vì vậy số lượng du khách đến với các lễ hội nhìn chung còn ít. Để thay đổi cục diện này, đưa lễ hội trở thành yếu tố mang tính động lực cho sự phát triển du lịch địa phương, Điện Biên cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức, từ đó kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp tới du khách.
Khi lựa chọn các lễ hội cần căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích, thời gian diễn ra lễ hội, khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để tạo thành sản phẩm du lịch. Thạc sĩ Nguyễn Bích Xuân nhấn mạnh, cần chú trọng công tác quảng bá lễ hội, đồng thời nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp; đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch…
Theo các chuyên gia, để lễ hội trở thành tài nguyên đặc sắc của du lịch văn hóa, tỉnh Điện Biên cũng phải lưu ý quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Muốn thế cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra; xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh, nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách khi tham gia và thực hành lễ hội...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với các lễ hội truyền thống, Điện Biên nên nghiên cứu tổ chức thêm những lễ hội nghệ thuật hiện đại như lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa... vào các dịp lễ, Tết, kết hợp với các hoạt động tìm hiểu văn hóa, ẩm thực địa phương để thu hút ngày càng nhiều du khách, hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đắc Linh