Yên Bái phát huy loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu

Cập nhật:17/05/2024 16:41:17
Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
 
Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán
 
Toạ lạc bên tả ngạn sông Hồng phường Yên Ninh, đền Tuần Quán từ lâu được biết đến là địa điểm linh thiêng cúng lễ cầu an của tín đồ phật tử thập phương, được xem như điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch tâm linh của người dân và du khách gần xa mỗi mùa lễ hội đầu xuân.
 
Cứ vào 3/3 Âm lịch hàng năm, nơi đây lại tổ chức Lễ hội giỗ Mẫu để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ công lao của Mẫu Liễu Hạnh - vị thần cao nhất thờ ở đền Tuần Quán, thu hút hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Chị Nguyễn Thu Quỳnh ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Gia đình tôi luôn giữ thói quen đi đền, chùa chiêm bái, cầu tài lộc, may mắn dịp đầu năm hay trong các lễ hội giỗ Mẫu. Để tỏ lòng thành kính, tôi dâng lên các ngài hương hoa, lễ vật cầu cho gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và bình an”.
 
Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và du khách mà còn trở thành nơi ghi dấu những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc, các chí sĩ yêu nước, là địa điểm tập hợp lực lượng, ủng hộ quyên góp phục vụ kháng chiến. Năm 2005, Đền Tuần Quán đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh - nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đa số nhân dân trong và ngoài tỉnh với nhiều di tích vật thể và phi vật thể còn lưu giữ.
 
Ông Lương Xuân Quyết - Chủ tịch UBND phường Yên Ninh cho biết: "Việc duy trì tổ chức Lễ hội không chỉ khẳng định việc tiếp nối, bảo tồn phát huy nét văn hóa đặc sắc tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc mà còn là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Yên Ninh quyết tâm hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”.
 
Ở phường Hợp Minh có đền Bà Áo Trắng - nơi thờ Tam tòa thánh mẫu và là di tích từ lâu đời. Đền được nhân dân làng Lũ Điền, nay là phường Hợp Minh, xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Đến nay đền Bà Áo Trắng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ gắn với những sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa trọng đại của dân tộc. Năm 2012, đền Bà Áo Trắng đã được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
 
Để đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, đền đã được trùng tu và phục dựng lại ba gian đại bái. Hiện phường Hợp Minh đã thiết lập quy hoạch di tích gắn với các thiết chế sân thể dục thể thao của địa phương với tổng diện tích trên 1 ha. Cùng đó, trong năm 2024, phường huy động các nguồn đầu tư trên 300 triệu đồng nâng cấp, mở rộng đường giao thông kết nối từ trục chính vào đền, chỉnh trang khuôn viên tạo cảnh quan ngày càng khang trang. Đồng thời, địa bàn nơi có đền cũng được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kè sông Hồng, mở ra không gian định hướng phát triển lâu dài, an toàn gắn với việc quan tâm tổ chức hoạt động lễ hội của địa phương biến nơi đây trở thành một trong những điểm đến thu hút nhân dân và du khách.
 
Cứ vào 17/3 Âm lịch hàng năm, các hoạt động Lễ hội giỗ Mẫu đền Bà Áo trắng lại diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo  nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến chiêm bái, vãng cảnh.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Chủ tịch UBND phường Hợp Minh cho biết: "Cùng với sự đầu tư của các cấp, các ngành thì nhân dân địa phương là nhân tố quan trọng để gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của di tích đền Bà Áo Trắng. Các hoạt động của Lễ hội đền Bà Áo Trắng luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bà con nhân dân, du khách gần xa, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của thế hệ trẻ tạo sức lan tỏa sâu rộng các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương”.
 
Thành phố Yên Bái hiện có 24 di tích trong đó có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh (4 di tích lịch sử cách mạng, 17 di tích đình, đền, chùa). Các hoạt động lễ hội đầu năm ở các di tích đình, đền, chùa trên địa bàn thành phố đã thu hút khoảng 10.000 lượt người đến tham quan chiêm bái, vãn cảnh và dâng hương cầu tài lộc, bình an. 
 
Việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, là các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu… gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa lâu đời trên địa bàn thành phố Yên Bái như: đền Tuần Quán (phường Yên Ninh), đền Bà Áo Trắng (phường Hợp Minh), đền Nam Cường (phường Nam Cường)... sẽ giúp phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó cũng là một trong những điều kiện để thành phố Yên Bái hướng đến mục tiêu kết nối vùng hình thành các tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa, cảnh quan, tham quan chiêm bái, tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
 
Bùi Minh
Nguồn: Báo Yên Bái online - baoyenbai.com.vn