Cao Bằng: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:28/05/2024 14:26:39
Là vùng đất chứa đựng nền văn hóa phong phú và giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc anh em, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời kết nối giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vỹ, tươi đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế, là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, là tỉnh có công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận, là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên dân số của tỉnh cao nhất cả nước với nhiều dân tộc cùng chung sống…, tạo nên sự đa dạng, phong phú về các di sản văn hóa, trở thành tiềm năng du lịch to lớn của tỉnh. 
 
Toàn tỉnh hiện có trên 200 di tích, trong đó có 102 di tích được xếp hạng. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, dự án. Tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình sản xuất các sản phẩm của nghề dệt phục vụ khách du lịch. Năm 2020, tỉnh hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ trên toàn tỉnh. Qua kiểm kê, số lượng di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại trên địa bàn tỉnh gồm 2.000 di sản, trong đó, tiếng nói có 6 di sản, chữ viết 2 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng 745 di sản, lễ hội truyền thống 200 di sản, nghề thủ công truyền thống 112 di sản, tri thức dân gian 487 di sản... Thông qua kiểm kê, lựa chọn, lập hồ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then Tày, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, Nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa), tri thức dân gian nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh (Nguyên Bình), nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm (Bảo Lâm), nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (Hà Quảng).
 
 
Du khách trải nghiệm phong tục truyền thống tại Làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình)
 
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích và phục dựng các lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc được quan tâm; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được tăng cưởng. Nhiều chuỗi sự kiện, hoạt động được tỉnh tổ chức như: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc, Chương trình hát Then, đàn tính tại lễ hội, lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Tham gia các hoạt động ngoài tỉnh như: Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội, Ngày hội du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh…  
 
Những nỗ lực trong việc phát huy và lan tỏa sức mạnh văn hóa đồng thời tạo nên sự kết nối giữa các di sản văn hóa với du lịch đã đem lại hiệu quả “kép”. Điển hình như các làng du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống các dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), Dao Tiền xã Quang Thành (Nguyên Bình), Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa), dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)… trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Đơn cử như tại các làng nghề liên quan đến trang phục dân tộc, du khách được tham gia trải nghiệm một số công đoạn của quá trình dệt vải, thêu thùa để khám phá văn hóa bản địa. Đây là một điểm nhấn vì khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến trải nghiệm làng nghề không đơn thuần là đến xem người dân bản địa làm ra sản phẩm hay đến mua sắm, tham quan làng nghề mà còn muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa tồn tại từ lâu đời. Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng khai thác làng nghề theo hình thức “3 cùng”, đó là khách du lịch ăn cùng, ở cùng, làm cùng. Hình thức này thu hút, đưa khách du lịch hòa vào cuộc sống của người dân bản địa, kéo dài thời gian của một chương trình du lịch. Qua đó góp phần tăng lượng khách du lịch đến tỉnh qua các năm. Năm 2023, tỉnh đón 1.945.142 lượt khách, bằng 176% so với năm 2022, bằng 126% so với năm 2019. Tổng thu du lịch đạt 1.334 tỷ đồng, bằng 215% so với năm 2022, bằng 278% so với năm 2019.
 
Xuân Thương
Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn