Để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố và các doanh nghiệp du lịch nỗ lực kết nối, hợp tác mở rộng các thị trường khách, đặc biệt là các thị trường du lịch quốc tế mục tiêu.
Hướng dẫn viên (cầm cờ) đang hướng dẫn khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: Thu Hà
Xúc tiến cụ thể từng thị trường
Thống kê của Sở Du lịch tính đến tháng 4/2024, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đạt 636.964 lượt, chiếm 41,3% tổng lượt khai báo của khách quốc tế (tốp 1 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng); khách Nhật Bản đạt 47.508 lượt, chiếm 3,3% (tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng); khách từ các thị trường châu Âu chiếm khoảng 8,9%; khách từ thị trường Úc chiếm khoảng 3%, tăng khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023; khách từ thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 0,7%; thị trường Ấn Độ chiếm khoảng 4%, tăng khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023... Tuy nhiên, theo đại diện Sở Du lịch, dù các thị trường khách đến Đà Nẵng khá đa dạng nhưng hiện nay chưa có đường bay trực tiếp đi/đến các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Trung Đông, Trung Á. Ngoài những chuyến bay trực tiếp từ hai đầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Nha Trang (chỉ dành cho đường bay từ Nga) thì khách đến Đà Nẵng đều quá cảnh (transit) tại các sân bay quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)…
Bà Mai Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết để thu hút các thị trường khách, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tới từng thị trường cụ thể. Chẳng hạn, với thị trường Âu, Mỹ, Úc phân khúc mục tiêu hướng tới khách Việt kiều thăm thân, khách trung niên, cặp đôi gia đình, khách cao tuổi, khách du lịch văn hóa, khách nghỉ dưỡng, khách chơi golf; sản phẩm du lịch hướng đến du lịch trải nghiệm, đô thị châu Á, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE - golf… Thị trường Tây Âu hướng tới nhóm khách trung niên, có thu nhập cao, thích đi du lịch, khách du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cặp đôi, MICE. Khách Ấn Độ hướng tới khách lẻ, du lịch theo nhóm, MICE, khách du lịch cưới…
Mỗi thị trường đều có kế hoạch quảng bá thông qua việc tham gia giới thiệu điểm đến tại các hội chợ du lịch lớn như: hội chợ OTM tại Mumbai; hội chợ SATTE tại Delhi; Business MICE and Luxury Travel Mart Delhi (Ấn Độ); dự kiến tham gia gian hàng Hội chợ IMEX Las Vegas (Mỹ) cùng Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2024; tổ chức chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại Sydney; kết nối cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp tại Sydney, Gold Coast (Úc, cuối tháng 7); hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế, hãng du lịch tàu biển để quảng bá điểm đến, lồng ghép các chương trình tại điểm đến với chương trình tour du lịch chào bán tại thị trường Úc; đón các đoàn famtrip đến khảo sát dịch vụ, qua các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội…
Nâng cao chất lượng nhân lực
Cùng với việc mở rộng thị trường khách, những người làm du lịch cho rằng, ngành du lịch thành phố cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là những thị trường mới. Theo đại diện Sở Du lịch, đến nay, sở đã cấp 4.116 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, trong đó có 177 hướng dẫn viên tiếng Nhật; 303 hướng dẫn viên tiếng Hàn; 1.938 hướng dẫn viên tiếng Anh; 176 hướng dẫn viên tiếng Pháp; 69 hướng dẫn viên tiếng Nga, 67 hướng dẫn viên tiếng Đức…
Là một trong những doanh nghiệp chuyên về thị trường khách Âu, anh Huỳnh Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Đường mòn châu Á chia sẻ, Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch MICE, được nhiều du khách lựa chọn là nơi để tổ chức các sự kiện MICE lớn, đông người. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chính là nhân lực phục vụ cho các thị trường này nhất là những thị trường Đức, Ý, Tây Ban Nha… Nếu số lượng khách quá đông, việc tìm kiếm hướng dẫn viên trong cùng một thời điểm rất khó khăn. Chưa kể, một số thị trường tiếng hiếm khác như tiếng Đức thì hướng dẫn viên thành thạo nay đã lớn tuổi và không đi dẫn đoàn nữa dẫn đến thiếu hụt, hay thị trường Tây Ban Nha số lượng hướng dẫn viên rất hạn chế.
Vì thế, để phát triển lâu dài, anh Minh cho rằng cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên kế cận của một số thị trường đang tăng trưởng này. Song song đó cũng cần đào tạo thêm nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên môn như tư vấn tour, lái xe… để có được các kỹ năng chuyên nghiệp nhất. Đồng quan điểm, chị Bảo Ly, đại diện Công ty CP Vietnam Travelmart, bày tỏ do nhu cầu thị hiếu của khách ngày càng cao, thị trường khách tiếng hiếm bị thiếu hụt thì cần quan tâm đến việc bổ sung đội ngũ nhân lực này cũng như chất lượng nhân sự có kỹ năng, nghiệp vụ khai thác khách từ các thị trường quốc tế đến Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận, trước nhu cầu thực tế của khách hàng, các doanh nghiệp du lịch cần định hướng khách hàng mục tiêu để từ đó chủ động đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực, lao động cho phù hợp từ nhân lực trong khách sạn tới tư vấn tour, lái xe, hướng dẫn viên... Đội ngũ hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng bởi đây là người đầu tiên du khách gặp trong chuyến đi; là cầu nối trong việc quảng bá, giữ gìn hình ảnh điểm đến. Vì thế, để nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, tới đây Đà Nẵng sẽ phối hợp với Công ty Vietravel thí điểm chương trình tự nguyện xếp hạng sao cho đội ngũ hướng dẫn viên, khuyến khích hướng dẫn viên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thu Hà