Nam Định: Thúc đẩy liên kết khai thác phát triển tiềm năng văn hóa bản địa

Cập nhật:11/06/2024 09:27:34
Xác định đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, nhất là văn hóa bản địa, truyền thống là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững, những năm qua, tỉnh Nam Định đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung phát triển đa đạng các sản phẩm văn hóa, du lịch có chất lượng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.
 
Các nghệ nhân, đầu bếp trình diễn chế biến phở truyền thống tại Festival Phở 2024 tổ chức ở thành phố Nam Định
 
Các sản phẩm văn hóa tại Nam Định được khai thác phát triển gồm: du lịch văn hóa tâm linh qua các di tích - danh thắng, lễ hội dân gian; văn hóa làng nghề, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Một trong những giá trị văn hóa tâm linh đặc trưng mang tính bản địa của dân tộc là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu với hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa thờ và phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng các Đức Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của đạo Mẫu tại Việt Nam. Giai đoạn 2012-2016, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các địa phương liên quan trong cả nước tổ chức nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, xây dựng hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau khi di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO ghi danh năm 2016, tỉnh đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại tỉnh Nam Định đến năm 2030” nhằm phát huy giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
Xét về yếu tố giao lưu văn hóa giữa Nam Định và các địa phương trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng không thể không nói đến nghệ thuật hát Chèo truyền thống. Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của dân tộc, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp cùng tỉnh Thái Bình và các địa phương khác có thực hành nghệ thuật Chèo trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, mở ra cơ hội tương lai sẽ thu hút nhiều khách quốc tế đến thưởng thức, nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật chèo tại địa phương, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa địa phương với các nước trong khu vực.
 
Nam Định là vùng đất đa nghề, nhiều địa phương trong tỉnh hiện còn bảo lưu, kế thừa và phát triển được tinh hoa nghệ thuật làng nghề truyền thống; trong đó, có nghệ thuật sơn mài làng Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên). Bằng đôi bàn tay khéo léo, người dân Cát Đằng không chỉ làm nghệ thuật sơn mài “tỏa sáng” trên những bức tranh mà còn cách tân, phát triển kĩ thuật sơn mài trên đồ gia dụng như: chén, đĩa, cốc, chụp đèn… với kiểu dáng phong phú, đậm chất nghệ thuật Á Đông, xuất khẩu sang các nước Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Các sản phẩm sơn mài làng Cát Đằng thể hiện rõ nghệ thuật sơn mài cổ, khẳng định tài hoa của người dân quê hương. Năm 2018, di sản “Nghệ thuật sơn mài Cát Đằng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi được ghi danh, Sở VHTTDL Nam Định đã phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Dương hợp tác với Hàn Quốc và một số nước xây dựng hồ sơ đa quốc gia về nghề sơn mài truyền thống Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tạo cơ hội cho nghề sơn mài Cát Đằng (Nam Định) thu hút được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Để vinh danh nghệ thuật sơn mài, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 4345/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2020 phê duyệt Đề án “Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia - Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020-2030”. Đề án được xây dựng với các nội dung đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nghề sơn mài giữa các địa phương; tăng cường quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế Việt Nam tại Nam Định và các địa phương có nghề sơn mài truyền thống trong cả nước.
 
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến các địa phương, năm 2022 tỉnh Nam Định đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng (Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An). Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định tích cực tham gia các hội nghị hợp tác, phát triển du lịch; xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng, kết nối các khu, điểm du lịch thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên vùng theo không gian du lịch. Tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dịp các sự kiện lớn, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch… do các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức.
 
Để liên kết du lịch với các tỉnh bạn, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Nam Định đã phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức các chương trình famtrip, presstrip đón doanh nghiệp lữ hành các tỉnh bạn về khảo sát các khu, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cơ sở bán sản phẩm quà lưu niệm để tìm hiểu năng lực phục vụ khách và đưa khách đến với các cơ sở của doanh nghiệp hội viên. Hiệp hội Du lịch Nam Định còn tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên tham gia đoàn khảo sát du lịch tỉnh bạn để kết nối tour tuyến du lịch liên tỉnh và trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch, cơ sở dịch vụ của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội của các tỉnh trong cụm liên kết 6 tỉnh duyên hải phía Bắc, cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía Bắc để thu hút khách du lịch đến với Nam Định. Việc liên kết hợp tác này đã đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, thu hút khách du lịch đến các địa phương, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.
 
Vùng đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa. Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa, gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, chương trình quảng bá di sản, du lịch hấp dẫn. Chú trọng khai thác tiềm năng về đặc sản văn hóa ẩm thực, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… trong đó có việc phối hợp xây dựng hồ sơ đưa di sản văn hóa "Phở Nam Định" trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa và du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia nguồn lực để đầu tư phát triển các mô hình liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch; ưu tiên nguồn vốn, huy động nguồn lực kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các điểm đến có tài nguyên du lịch văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: Báo Nam Định điện tử - baonamdinh.vn