Du lịch Bạc Liêu: Bước chuyển mình vươn đến “trụ cột” phát triển

Cập nhật:10/07/2024 09:32:02
Khởi đầu từ một địa phương có sản phẩm du lịch đơn điệu, thậm chí chỉ là trạm dừng trên cung đường xuôi về phương Nam, nhưng bằng nội lực và khát vọng phát triển, du lịch Bạc Liêu hôm nay đã chuyển mình bằng những điểm đến mang thương hiệu. Nhiều tài nguyên, thế mạnh từng bước được khai thác đã vẽ nên bức tranh du lịch nhiều gam màu rực rỡ, đưa du lịch vươn tầm trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vươn lên từ khát vọng 
 
Ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Văn Đồng ký Nghị định thành lập Công ty Du lịch Việt Nam đánh dấu lịch sử hình thành du lịch Việt Nam. Suốt chặng đường 64 năm qua, ở thời kỳ nào du lịch cũng đều được Đảng, Nhà nước quan tâm, dành nguồn lực đầu tư để nâng cao vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển.
 
Đối với Bạc Liêu, ngành Du lịch đã cùng tỉnh đi qua hơn 1/4 thế kỷ. So với nhiều nơi, khoảng thời gian này không dài nhưng có thể tự hào mà khoe với bạn bè rằng du lịch Bạc Liêu giờ đây đã đổi thay ngoạn mục. Từ một ngành kinh tế có quy mô nhỏ bé, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ ban đầu chưa có gì, đến nay xứ Công tử đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, địa chỉ mà nhiều công ty lữ hành muốn hợp tác. Không có non nước hữu tình, Bạc Liêu níu chân bạn bè phương xa bằng những sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt như: Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Cùng với đó là những loại hình du lịch gắn liền với thế mạnh, khát vọng phát triển xanh như: du lịch điện gió gắn với khám phá rừng phòng hộ, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
 
Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định, ít có tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà trong vòng chưa đầy 10 năm đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Nếu như Nghị quyết 02 (năm 2011), Tỉnh ủy đề ra những giải pháp nhằm khơi dậy tiềm lực phát triển của du lịch, từ đầu tư hạ tầng đến định hình và phát triển một số sản phẩm mang tính đặc trưng riêng có, thì đến Nghị quyết 11 (năm 2018), tỉnh đề ra những mục tiêu, tầm vóc lớn hơn là đưa du lịch trở thành khâu đột phá, là động lực thúc đẩy Bạc Liêu phát triển. Với nhiều nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm du lịch của vùng, mỗi năm du lịch Bạc Liêu tăng trưởng trung bình khoảng 15 - 20%, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư. Hiện nay, du lịch Bạc Liêu đang xếp vị trí thứ 5 trong khu vực ĐBSCL.
 
 
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra chất lượng hoạt động của khách sạn phục vụ du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: H.T
 
Hợp lực để đi xa
 
Sự ra đời của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2018, với hơn 80 thành viên xác lập bước tiến quan trọng về nhận thức phát triển du lịch của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau” được Hiệp hội đề cao và phát huy như “mái nhà chung” để tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Nhiều hoạt động chung như: xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh, ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch nhiều tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch lớn trong nước… được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong Hiệp hội tích cực hưởng ứng. Từ môi trường cạnh tranh lành mạnh của việc bắt tay hợp lực, các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng hơn trong đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực theo hướng từng bước chuyên nghiệp. Nhờ đó đã góp phần giúp doanh thu du lịch tăng trưởng nhanh, đưa hình ảnh Bạc Liêu ngày càng vươn xa. Trong tổng số 11 điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL của tỉnh, nhiều điểm do doanh nghiệp đầu tư khai thác là: Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam.
 
Những đổi thay, phát triển của du lịch Bạc Liêu không chỉ đến từ sự sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp mà còn có người dân chung tay góp sức. Chỉ vài năm gần đây, nhiều điểm tham quan, dịch vụ du lịch được người dân đầu tư đã làm phong phú thêm sức hút cho quê hương bản “Dạ cổ hoài lang”.
 
Hữu Thọ
Nguồn: Báo Bạc Liêu Online - baobaclieu.vn