Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trải qua bao biến chuyển thăng trầm, người dân nơi đây vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Để đến hôm nay, những giá trị đó chính là nguồn tài nguyên, sản phẩm quý để giới thiệu, mời chào du khách gần xa.
Phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa
Thị xã Ninh Hòa có hệ thống 67 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 64 di tích cấp tỉnh và 3 di tích cấp quốc gia (Phủ đường Ninh Hòa; Lăng Bà Vú; Địa điểm lưu niệm Tàu C235). Bên cạnh đó, có những lễ hội dân gian vẫn được người dân nơi đây tổ chức hàng năm, như: Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê; lễ hội cầu ngư của người dân các làng biển; lễ hội thuyền hoa và đua thuyền trên sông Dinh… Văn hóa ẩm thực cũng là một thế mạnh của vùng đất Ninh Hòa với nhiều món ăn ngon, nổi tiếng, như: Nem nướng Ninh Hòa, bánh canh Ninh Hiệp, bánh căn tôm mực Ninh Bình, bún cá Ninh Đông, bánh xèo Ninh Thọ, bánh khoai Ninh Diêm… Thị xã Ninh Hòa cũng là nơi nổi tiếng với phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Trên địa bàn thị xã vẫn duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ đờn ca tài tử, những gánh hát bội, câu lạc bộ bài chòi cổ Ninh Hòa, các đội biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ê đê, Raglai.
Lễ hội thuyền hoa và đua thuyền trên sông Dinh
Điểm qua những tiềm năng, giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đất Ninh Hòa để thấy được truyền thống, bản sắc của người dân nơi đây. Điều đáng mừng, trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Chẳng hạn, năm 2020, UBND thị xã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia đối với Địa điểm lưu niệm Tàu C235. Năm 2022, thị xã tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên du lịch, thực trạng phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khuyến khích phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa di tích lịch sử cách mạng. Năm 2024, địa phương triển khai xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Ninh Vân gắn với phát huy giá trị Địa điểm lưu niệm Tàu C235. Từ việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hình thành điểm đến phục vụ khách du lịch đã ngày càng thu hút du khách đến với các địa chỉ: Địa điểm lưu niệm Tàu C235; di tích Trường Pháp - Việt Ninh Hòa; Lăng Bà Vú; Phủ đường Ninh Hòa; căn cứ cách mạng Đá Bàn…
Qua hoạt động tham quan của khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã góp phần giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng của địa phương, những sản phẩm OCOP, thúc đẩy hoạt động dịch vụ ẩm thực… Từ đó, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gắn với phát triển du lịch bền vững
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, địa phương đang triển khai kế hoạch nhằm khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; thu hút đầu tư các dự án du lịch gắn với các khu di tích, các tuyến, điểm du lịch kết nối với các di tích. Thị xã mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh sớm thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng. Trước mắt, ưu tiên các di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, như: Đình - lăng Bình Tây (phường Ninh Hải); đình Mỹ Trạch (phường Ninh Hà); đình Vĩnh Phú (phường Ninh Hiệp); đình Đại Cát (xã Ninh Phụng); đình Chấp Lễ (xã Ninh Thân); mộ Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục (phường Ninh Đa); chùa Pháp Hải (xã Ninh Thọ)…
Bên cạnh đó, thị xã cũng hỗ trợ các câu lạc bộ văn hóa truyền thống tại những thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có điều kiện sinh hoạt, trình diễn văn hóa, văn nghệ theo phong tục, bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Hàng năm, địa phương tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cho ĐBDTTS và miền núi; tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống của ĐBDTTS… Từ đó, góp phần đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch thị xã Ninh Hòa.
Để thực hiện được những định hướng nêu trên, thời gian tới, thị xã Ninh Hòa cần khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội; lựa chọn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc để bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương đến với du khách gắn với các lễ hội, liên hoan nghệ thuật; thường xuyên tổ chức các tour về nguồn cho đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn thị xã đến với các di tích lịch sử, "địa chỉ đỏ" để giới thiệu về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân Ninh Hòa. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được phê duyệt theo quy định hiện hành…
Giang Đình