Quảng Trị: Mở hướng thúc đẩy du lịch biển khởi sắc

Cập nhật:27/09/2024 08:53:47
Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài và đẹp, là điều kiện tốt để phát triển du lịch biển. Song thực tế du lịch biển của tỉnh đang ở dạng tiềm năng; thiếu nhiều dịch vụ tốt dẫn đến thời gian lưu trú của du khách không dài; doanh thu từ du lịch biển chưa nhiều... Để phát triển tốt du lịch biển ở tỉnh Quảng Trị cần có giải pháp sát đúng, lâu dài, bền vững.
 
Dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải, huyện Gio Linh đang từng bước hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy du lịch biển phát triển. Ảnh: Tú Linh
 
Cùng với tiềm năng lớn về hải sản, khoáng sản, dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị có nhiều bãi tắm đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch biển. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhiều điểm du lịch biển để tạo đà phát triển cho khu vực này. Riêng tại huyện Gio Linh, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Tiểu dự án Quảng Trị đang hoàn thành giai đoạn cuối, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch các bãi biển Trung Giang, Gio Hải, Cửa Việt.
 
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch ven biển được đầu tư khá đồng bộ, cơ sở lưu trú ven biển tại thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt từng bước được đầu tư xây dựng. Đặc biệt tại xã Gio Hải và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, các khu du lịch quy mô đang được hoàn thiện. Tính đến nay, khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị có hơn 50 cơ sở lưu trú lớn nhỏ, đáp ứng một số lượng khá lớn phòng nghỉ cho du khách. Với sự cố gắng đầu tư về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển Quảng Trị đã thu hút một lượng khá lớn du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Song theo đánh giá, lượng du khách này còn ít so với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
 
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, tuy có tiềm năng lớn nhưng du lịch biển Quảng Trị vẫn chưa thực sự phát triển, còn nhiều hạn chế. Dịch vụ du lịch nhìn chung còn nghèo nàn; cơ sở lưu trú hiện đại đang còn ít, sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; kết cấu hạ tầng tại nhiều bãi biển còn thiếu đồng bộ. Các địa phương, đơn vị dù có nhiều cố gắng, sáng tạo nhưng sản phẩm du lịch biển, đảo còn manh mún. Hoạt động du lịch chỉ mới dừng lại ven bờ, chưa có cảng chuyên dụng du lịch đủ điều kiện để đón các tàu du lịch quốc tế lớn.
 
Du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển như đã đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/12/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đồng thời, du lịch biển đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/ QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
 
Theo ông Nguyễn Đức Tân , Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch biển, xem đây là hướng mở hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và kích cầu phát triển KT-XH của các địa phương có biển. Khi chủ trương, chính sách đã có thì các địa phương ven biển cần mạnh dạn hơn nữa trong việc thay đổi cách tiếp cận; chủ động khai thác khách du lịch thay vì bị động chờ đón khách đến như hiện nay.
 
Vì vậy, để du lịch biển phát triển tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng, tỉnh cần tập trung đốc thúc các dự án du lịch ven biển đẩy nhanh tiến độ đầu tư, góp phần cải thiện sản phẩm dịch vụ du lịch biển. Cần có sự đầu tư và quản lý hiệu quả về cơ sở vật chất, dịch vụ và nguồn nhân lực làm du lịch . Các địa phương cần đầu tư, nâng cấp, quan tâm những điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn, phục vụ tốt hơn nữa cho du khách.
 
Đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch đồng bộ, kết nối đô thị ven biển để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển. Đẩy nhanh việc xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị để rút ngắn thời gian cho du khách đến Quảng Trị, về với du lịch biển và kết nối du lịch đảo Cồn Cỏ. Xây dựng cơ chế, nâng cấp dịch vụ du lịch tại đảo Cồn Cỏ. Các doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu và tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đa dạng cho phân khúc du khách biển với những chương trình tour đặc sắc.
 
Tiếp tục quảng bá xúc tiến du lịch điểm đến biển Quảng Trị với du khách Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan. Cùng với đó là cải thiện điều kiện dịch vụ du lịch, ẩm thực, văn hóa phục vụ, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Chú trọng công tác truyền thông cho du lịch biển ngày càng phong phú hơn trên nhiều kênh thông tin để sản phẩm du lịch biển đến được với nhiều phân khúc du khách.
 
Theo ông Nguyễn Đức Tân, về lâu dài cần đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển hấp dẫn, riêng có. Đó là có thể nghiên cứu xây dựng tại thị trấn Cửa Việt một bảo tàng văn hóa biển trưng bày những tư liệu, hình ảnh quý về quá trình xây dựng, bảo vệ biển, đảo của cha ông qua các thời kỳ, nhất là những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra trong khu vực biển đảo Quảng Trị gắn với bảo tồn, tôn vinh hệ sinh thái văn hóa biển của ngư dân Quảng Trị qua nhiều thế hệ đã tạo dựng, vun đắp nên. Đây sẽ là điểm nhấn của tour du lịch biển đảo, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; cũng như thu hút nhiều du khách vì tính độc đáo, khác biệt của điểm đến.
 
Tuệ Linh
Nguồn: Báo Quảng Trị Online - baoquangtri.vn