Việc liên tục có các đường bay được đưa vào khai thác đã góp phần khẳng định vai trò “cửa ngõ” của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung. Từ những đường bay đưa khách ở các thị trường gần đã trở thành cánh tay nối dài, hướng đến thu hút khách du lịch từ các thị trường xa hơn.
Để thu hút nguồn khách du lịch đến Đà Nẵng, thành phố, ngành du lịch và các đơn vị liên quan nỗ lực xúc tiến hợp tác với các hãng hàng không trong và ngoài nước. Ảnh: Diệp Như
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tính đến nay có 20 đường bay đến Đà Nẵng, trong đó 5 đường bay nội địa gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Hải Phòng, Cần Thơ và 15 đường bay quốc tế thường kỳ gồm: Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc - Đài Trung - Cao Hùng (Đài Loan - Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Siêm Riệp (Campuchia), Incheon - Busan - Daegu - Cheongju (Hàn Quốc), Narita (Nhật Bản), Manila (Philippines). Theo đó, 9 tháng năm 2024, tần suất trung bình có 115 chuyến bay/ngày (64 chuyến nội địa và 51 chuyến quốc tế) đến Đà Nẵng. Ngày 24-9 vừa qua, thành phố đã đón chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Malaysia Airlines khai thác chặng bay Kuala Lumpur - Đà Nẵng.
Với mạng lưới đường bay trải rộng khắp châu Á, châu Âu, châu Đại Dương qua gần 1.000 điểm đến tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngành du lịch thành phố kỳ vọng Malaysia Airlines sẽ là cầu nối giúp Đà Nẵng mở rộng thị trường du lịch đến các điểm hấp dẫn trên toàn thế giới.
Có mặt trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Đà Nẵng do Hãng hàng không Malaysia Airlines khai thác, anh Amir Azaman (đến từ Malaysia) chia sẻ Đà Nẵng có nhiều cảnh quan, điểm tham quan lại gần các di sản văn hóa thế giới… nên du khách rất quan tâm điểm đến. Việc có đường bay thẳng từ Kuala Lumpur đến Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách giữa hai quốc gia đi lại du lịch, nghỉ dưỡng cũng như các hoạt động giao thương khác. Điều này cũng giúp gia tăng sự lựa chọn di chuyển của du khách cũng như nguồn khách cho hai quốc gia.
Được biết, theo kế hoạch trong tháng 10 này, hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) dự kiến khai trương đường bay từ Amedabad (Ấn Độ) - Đà Nẵng; bên cạnh đó hãng hàng không của Indonesia Citilink Airlines đã lên kế hoạch khai thác các chuyến bay thuê chuyến trực tiếp đầu tiên từ Jakarta (Indonesia) đến thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2024. Hãng sẽ phối hợp với các công ty lữ hành tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam mở đường bay với tần suất 2 chuyến/tuần, qua đó sẽ mở ra các cơ hội kết nối tới các thị trường khách trọng điểm.
Ngoài các chính sách thu hút khách nội địa, để tăng thêm nguồn khách tiềm năng từ thị trường quốc tế, trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Úc. Thành phố cũng chú trọng mở rộng và khai thác thị trường khách Mỹ, Trung Đông, Uzbekistan, khu vực Đông Nam Á…
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Sở Du lịch đang phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ trong công tác khôi phục các đường bay từ Trung Quốc đại lục đến Đà Nẵng. Việc khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ, thuê chuyến (charter) từ các thành phố lớn của Trung Quốc đến Đà Nẵng sẽ được thực hiện ngay khi có cơ hội.
Ngành du lịch triển khai kế hoạch xúc tiến, kết nối các đường bay để thu hút khách trong năm 2025; tổ chức hội nghị xúc tiến đường bay quốc tế; phối hợp với các cơ quan quản lý hàng không (Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty CP đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng), các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch tổ chức hội nghị xúc tiến đường bay quốc tế nhằm trao đổi chuyên sâu về giải pháp khôi phục, duy trì và thúc đẩy các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.
Sở Du lịch tiếp tục tham mưu thành phố các chính sách thu hút, tăng cường thêm đường bay quốc tế đến Đà Nẵng; phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch xúc tiến mở lại các chuyến bay thuê chuyến từ Trung Quốc (Thành Đô, Hàng Châu, Quảng Châu), Indonesia (Jakarta, Bali), Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Úc (Sydney, Melbourne), Qatar (Doha)… đến Đà Nẵng.
Để giới thiệu và khai thác hiệu quả nguồn khách trong nước và quốc tế, thành phố cũng đã chỉ đạo cho ngành du lịch tăng cường các giải pháp, trong đó có đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt đổi mới công tác truyền thông, nhấn mạnh vào sự đổi mới của điểm đến và những sản phẩm dịch vụ mới lạ, đặc sắc, phù hợp với xu hướng, thị hiếu của từng thị trường khách.
Theo dự kiến năm 2024, tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng đạt 10,3 triệu lượt, tăng gần 40% so với năm 2023 (khách quốc tế ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 2,1 lần). Sang năm 2025, mục tiêu phấn đấu tổng lượt khách lưu trú tại thành phố ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024, trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, hiện nay các điểm đến quốc tế đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ như Thái Lan, Trung Quốc, bởi giá rẻ, chính sách visa thông thoáng, chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho các hãng hàng không mở đường bay, tặng voucher bằng tiền cho du khách... Qua đó xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới là thực tế đã và đang diễn ra. Việc chuyển hướng thị trường khách quốc tế là một trong những bài toán để ngành du lịch và các doanh nghiệp trong ngành đánh giá toàn diện hơn để có các giải pháp lâu dài.
Diệp Như