(TITC) - Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, đặc sắc. Các di tích ở Thanh Hóa có lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, cổ kính, chứa đựng các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng, nhuốm màu huyền thoại cùng những lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc sẽ có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ với du khách. Đó là nguồn tài nguyên quý giá để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397 giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai và Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc. Cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng Thành Nhà Hồ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên. Ngày 27/6/2011, Thành hà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Đây chính là quê hương đất tổ nhà Lê. Không chỉ đẹp trong từng công trình được xây dựng, nét văn hóa của Khu Di tích Lam Kinh còn được thể hiện trong sự hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, các điện miếu và lăng mộ được bố trí theo quan điểm Nho giáo, thuật phong thủy, có sự hài hòa giữa đồi núi, khe suối, cây xanh, tạo nên một môi trường đẹp, cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu
Cách trung tâm thành phố khoảng 16km về phía Bắc, đền Bà Triệu nằm trên ngọn núi Gai (núi Ải), thuộc làng Phú Điền, Hậu Lộc. Điểm đặc biệt của nơi đây chính là Đền Bà Triệu - nơi lưu giữ những hiện vật quý hiếm, nhiều cổ vật từ những thời đại xa xưa với 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam, 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán..., cùng một kho tàng các sự tích, huyền thoại, ca dao, tục ngữ gắn liền với cuộc đời Bà Triệu. Đối diện với đền thờ Bà, thẳng đường chim bay khoảng 500m là lăng mộ của Bà, được xây trên đỉnh núi Tùng. Hàng năm, từ ngày 21-24/2 âm lịch, lễ hội Bà Triệu được tổ chức với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ mộc dục, tế phụng nghình... Một số tiết mục văn nghệ dân gian được biểu diễn trong lễ hội có thể kể đến trò "Ngô - Triệu giao quân", hát chầu văn, thi đấu vật, leo dây, thi thổi cơm, đánh cờ tướng...
Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn
Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, rất đa dạng về sinh học (gắn với rừng đặc dụng Sầm Sơn); có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa bao gồm: núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên... Song song với đó là các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức hàng năm như Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy, Lễ hội Cầu ngư - Bơi trải, Lễ hội Cầu Phúc, Lễ hội tại các đến thờ Độc Cước, Cô Tiên, Tô Hiến Thành... Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho cụm di tích, danh thắng này nhằm bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, góp phần xây dựng, phát triển phong phú thêm các sản phẩm du lịch, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của Sầm Sơn phát triển.
Hang Con Moong và các di tích phụ cận
Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong được phát hiện lần đầu vào năm 1974, khai quật lần đầu năm 1976. Các nghiên cứu đã cho thấy, địa tầng hang Con Moong là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á là văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn; là sự tiếp nối giữa thời kỳ đã cũ đến đã mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt sơ khai. Các nghiên cứu cho thấy con người thời tiền sử đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng hơn 60.000 năm trước.