Ninh Bình bứt phá, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam

Cập nhật:02/01/2025 09:10:23
(TITC) - Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Ninh Bình. Trong đó ngành du lịch tỉnh đã đánh dấu một năm phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng vượt bậc khi đón được 1,5 triệu lượt khách quốc tế, toàn tỉnh ước đón 8,7 triệu lượt khách.
Nhờ sự tham mưu triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là tập trung xúc tiến phát triển thị trường du lịch mới, triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch góp phần tạo động lực, khí thế huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong việc phát triển, làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp, do vậy du lịch Ninh Bình đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ, trên các mặt.
 
 
Về thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh ước đón 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 30% so với 2023, tăng 14% so với năm 2019 (năm cao nhất trước đại dịch Covid-19), vượt kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII giao 8,75%; trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 221% so với năm 2023, tăng 63,9% so với năm 2019, vượt kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII giao 50%. Số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 2.028,4 nghìn lượt, tăng 45,33%; số ngày khách lưu trú ước đạt gần 2.340 nghìn ngày khách, tăng 28,27%.
 
 
Du lịch Ninh Bình đón được 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Ảnh: TITC
 
Doanh thu từ du lịch đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023, tăng 148% so với năm 2019 (năm cao nhất trước đại dịch Covid-19), vượt kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII giao 13,75% . Hoạt động lưu trú ước đạt trên 862,1 tỷ đồng, tăng 25,31%; hoạt động nhà hàng ước đạt gần 4.568 tỷ đồng, tăng 38,61%; hoạt động vận chuyển ước đạt gần 1.130 tỷ đồng, tăng 29,74%; vé tham quan ước đạt trên 588 tỷ đồng, tăng 31,41%; bán hàng hóa, quà lưu niệm ước đạt trên 942 tỷ đồng, gấp hơn 1,7 lần; các dịch vụ khác doanh thu ước đạt trên 1.83,3 tỷ đồng, gấp gần 1,6 lần.
 
Hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình được quảng bá rộng rãi ở cả trong và ngoài nước, trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được sự ghi nhận nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế, nổi bật như: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024: Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí quốc tế Forbes xếp hạng Ninh Bình vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông"; Quần thể danh thắng Tràng An được Kotler Award bình chọn là “điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới”.
 
Trong công tác xúc tiến du lịch, Ninh Bình đã tham gia quảng bá du lịch tại trên 30 lễ hội, hội chợ triển lãm, hội thảo, tọa đàm quảng bá trong và ngoài nước (các hội chợ du lịch quốc tế (Travex ở Lào, Berlin, Tokyo, VITM Hà Nội, ITE TP. Hồ Chí Minh..). Tăng cường các chiến dịch quảng bá du lịch thông qua việc triển khai các chiến lược truyền thông trên các nền tảng số, chuyên trang du lịch quốc tế. Điều này giúp Ninh Bình thu hút nhiều du khách quốc tế hơn, đặc biệt từ các thị trường du lịch trọng điểm như Ấn độ, Đông Bắc Á tăng 12% (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2024, ngành du lịch Ninh Bình đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt với lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt  khách - con số ấn tượng nhất từ trước đến nay.
 
Ngoài ra, Ninh Bình đã tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô quốc gia, quốc tế tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và khám phá văn hóa, đồng thời góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới. Đặc biệt trong năm 2024 tỉnh đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Tràng An được Unesco ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Lễ hội ẩm thực Du lịch Ninh Bình 2024; Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương 2024; tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng đặc thù của tỉnh, thi báo chí viết về đề tài di sản, thi ảnh đẹp du lịch…
 
Bên cạnh đó, Ninh Bình chú trọng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng tăng trưởng, kiện định phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản và đảm bảo sinh kế của người dân, để mỗi người dân sống trong di sản, hưởng lợi từ di sản, tham gia bảo vệ di sản. 
 
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tập trung bồi dưỡng, đào tạo để mỗi người dân, người lao động du lịch địa phương trở thành một đại sứ du lịch, hướng dẫn viên du lịch. 
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển ứng dụng du lịch thông minh, hướng dẫn viên du lịch ảo, trợ lý ảo để tương tác với khách du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm du khách, hỗ trợ thông tin kịp thời cho khách du lịch và tiếp cận các thị trường khách du lịch mục tiêu một cách hiệu quả​. Trong đó, tỉnh đã lắp đặt 5 kiosk tra cứu thông tin và 15 điểm phát wifi tốc độ cao miễn phí tại 03 khu du lịch lớn trong tỉnh, trung bình mỗi tháng có trên 7.000 người truy cập. Xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, hoàn thiện cổng thông tin du lịch Ninh Bình và số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về du lịch, tăng tính minh bạch và độ tin cậy của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.
 
Với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Ninh Bình nỗ lực phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, thực sự là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch, sáng tạo. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình ước đón trên 9,1 triệu lượt khách, trong đó có 02 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030, ước đón 12 triệu lượt khách, trong đó có 03 triệu lượt khách quốc tế.
 
Để đạt được mục tiêu nêu trên, ngành du lịch Ninh Bình xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, như: tiếp tục đầu tư, tôn tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các điều kiện phục vụ khách du lịch hiện đại từng bước đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch 4 mùa; xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ, sực độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ; tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch, 
 
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu du lịch Ninh Bình thông qua bộ nhận diện thương hiệu Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố đô. Chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch bằng chính chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp, môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, hiếu khách, điều này có yếu tố quyết định đến sự quay lại của khách du lịch. Do đó ngành du lịch sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng các phóng sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển du lịch, nhất là thái độ, kỹ năng, ứng xử thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương. Đề nghị các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ trong việc xây dựng môi trường du lịch Ninh Bình, trở thành mô hình mẫu mực về phát triển du lịch cộng đồng, mỗi người dân trở thành một đại sứ, hướng dẫn viên du lịch.
Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch