Thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về bảo tồn văn hóa các dân tộc, ngành văn hóa tỉnh Bình Định đã và đang triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025).
Thực hiện Dự án 6, trong năm 2024, Sở VH&TT hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho 17 nhà văn hóa, khu thể thao tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh; khảo sát, kiểm kê di sản, tập huấn bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’re; phục dựng Lễ hội thần làng của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh; xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào H’re xã An Trung (huyện An Lão)…
Lễ hội thần làng cùng những lễ hội khác và dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh được Nhà nước quan tâm bảo tồn. Ảnh: Ngọc Nhuận
Nghệ nhân Trần Kim Quẹo, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: “Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội thần làng của đồng bào Chăm H’roi thể hiện sự gắn kết cộng đồng trong lao động sản xuất, đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Lễ hội thần làng cùng những lễ hội khác và dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Chăm H’roi được Nhà nước quan tâm bảo tồn, bà con mừng lắm! Những cái tốt đẹp được gìn giữ, còn hủ tục lạc hậu thì bãi bỏ, đó cũng là điều nên làm để đồng bào dân tộc Chăm H’roi chung tay giữ nét đẹp văn hóa”.
Việc tổ chức lớp tập huấn, xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) và mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào H’re xã An Trung (huyện An Lão) góp phần nâng cao nhận thức của bà con gìn giữ những điệu múa xoang, diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc mình.
Nghệ nhân Đinh Xuân Hải, ở thôn 6, xã An Trung, chia sẻ: “Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc H’re ở địa phương, có lẽ những loại hình diễn xướng dân gian của chúng tôi sẽ dần mai một, bởi lớp trẻ hiện nay không mấy mặn mà. Điều đáng mừng qua những đợt kiểm kê, tập huấn truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho thấy còn nhiều nghệ nhân nắm giữ được vốn quý của cha ông và lớp trẻ chịu học, có như vậy di sản văn hóa của dân tộc H’re mới được giữ gìn”.
Bày tỏ niềm vui mừng khi được mời tham gia truyền dạy tại lớp tập huấn xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để lớp trẻ kế thừa nắm giữ được hết bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nỗi lo ấy nay dần vơi khi thấy nam nữ thanh niên Bana ở xã Vĩnh Kim tới học đông đủ, chăm chú lắng nghe, cố gắng nắm bắt luyện tập thực hành trình diễn cồng chiêng, múa xoang”.
Anh Đinh Bơk, Trưởng thôn O5, xã Vĩnh Kim, tâm tình: “Thôn tôi thành lập đội cồng chiêng, múa xoang với gần 30 người biểu diễn vào các dịp lễ hội của thôn. Qua các lớp tập huấn, chúng tôi nắm bắt thêm những chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước để phổ biến cho bà con nâng cao nhận thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Dự án 6 được UBND tỉnh giao Sở VH&TT chủ trì, phối hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Thời gian tới, cùng với việc triển khai thêm những hoạt động khác, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án 6 tại các địa phương để đảm bảo chính sách đi vào đời sống thực tiễn mang lại hiệu quả cao.
Đoàn Ngọc Nhuận