Tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn thành việc di dời hơn 300 hộ dân đang sinh sống trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long lên định cư ở khu tái định cư phường Hà Phong, thành phố Hạ Long.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho các hộ dân mưu sinh trên vịnh để vừa đảm bảo kế sinh nhai cho người dân vừa góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của người vạn chài Hạ Long.
Mô hình chèo đò chở du khách tham quan các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được hình thành và duy trì qua hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ du lịch vận tải Hạ Long ở khu vực Vung Viêng.
Ông Tăng Văn Phiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết mô hình chèo đò phục vụ khách du lịch đã hoạt động từ năm 2008 với các thành viên chủ yếu là người dân làng chài Vung Viêng.
Đề án di dân lên bờ sinh sống cơ bản đã hoàn thành nhưng thật tốt khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định giữ lại mô hình làng chài, cho phép dịch vụ chèo đò hoạt động để phục vụ du khách, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng chài Vung Viêng.
Ông Phiến cũng cho biết người dân mong muốn sau khi tái định cư, ổn định chỗ ở trên bờ vẫn có việc làm, gắn với các hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, nơi mà nhiều đời qua, các thế hệ người dân đã sinh sống, gắn bó máu thịt.
Chính vì vậy, đa số người dân làng chài cũ mong muốn Vung Viêng sau này sẽ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, lấy văn hóa ngư nghiệp làm nòng cốt phát triển du lịch.
Anh Vũ Văn Đông, người dân làng chài Vung Viêng cũ cho biết gia đình anh đã lên bờ sinh sống ổn định, nay anh trở lại Vung Viêng tham gia dịch vụ chèo đò chở khách có lương tháng ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình.
Còn chị Nguyễn Thị Bích, người dân Vung Viêng cho biết mỗi ngày, buổi sáng chị chèo đò chở khách từ 7 giờ đến 10 giờ; chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Lượng khách mỗi ngày, mỗi mùa khác nhau, nhưng bình quân lương mỗi tháng ít thì được 2,5 triệu đồng, người nhiều thì 3 triệu đồng.
Mặc dù, mới được đưa vào hoạt động những năm trở lại đây, nhưng dịch vụ chèo đò chở khách tham quan tại các điểm du lịch trên vịnh, tham quan làng chài Vung Viên đã thu hút được khá nhiều du khách.
Vung Viêng từng là một làng chài lớn thứ hai trong 7 làng chài cũ trên Vịnh Hạ Long. Đây là một làng chài nhỏ, xinh đẹp và yên bình trên Vịnh Hạ Long. Ngày càng có nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đến với Vung Viêng để tìm hiểu văn hóa của người vạn chài và cảnh sắc nước non nơi đây.
Vợ chồng một du khách đến từ Mexico cho biết việc Quảng Ninh giữ lại các hình ảnh làng chài trên Vịnh Hạ Long khiến cho di sản thiên nhiên thế giới này càng thêm hấp dẫn, thú vị.
Tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, cuộc sống thường nhật của người dân làng chài luôn là điều lý thú đối với mỗi du khách nước ngoài khi đến với di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Mô hình dịch vụ chèo đò phục vụ du khách là một sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Hoạt động này đã tạo sự gắn kết để người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển, đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường Vịnh.
Giờ đây, mỗi người dân làng chài cũ không chỉ biết làm du lịch mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường Vịnh. Người dân đã tự nguyện bảo vệ môi trường, không vứt các chất thải xuống biển. Hàng ngày người dân tự nguyện thu gom rác trôi nổi trên biển để mang đi xử lý. Mỗi ngư dân chèo đò không chỉ là một tuyên truyền viên đắc lực mà còn trực tiếp tham gia vớt rác trên mặt Vịnh, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Dù người dân vạn chài đã lên bờ định cư nhưng vẫn được tạo điều kiện bám biển, bám vịnh bằng việc duy trì mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch vận tải trên Vịnh Hạ Long. Đây là một cách làm hay, vừa tạo việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân vừa góp phần làm phong phú các tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long, bảo tồn văn hóa vùng biển ở địa phương.
>Đây cũng là một trong những cách thức khá hiệu quả trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để "níu chân" du khách ở lại lâu hơn, khám phá vẻ đẹp độc đáo của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long./.