Sau hơn 20 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cố đô Huế đã được các chuyên gia UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá là “điểm sáng” trong công cuộc bảo tồn di sản. Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, di sản Huế sẽ tiếp tục “hồi sinh” một cách toàn diện và chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững.
Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay đã từng là kinh đô của nước ta từ năm 1802 đến 1945. Cách mạng tháng Tám thành công kết thúc 143 năm trị vì của triều Nguyễn, cũng từ đó đánh dấu giai đoạn khủng hoảng và suy thoái của di tích. Những cuộc chiến ác liệt, đặc biệt là năm 1947 và 1968 đã khiến một loạt công trình Huế trở thành phế tích. Điện Cần Chánh, Trấn Bình Đài, các khu lăng tẩm… bị bom đạn tàn phá nặng nề. Không những thế, vào năm 1953 và 1971, tại Huế đã xảy ra hai trận lũ lớn làm cho các di tích đứng trước nguy cơ thành… phế tích. Sau năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, toàn bộ quần thể di tích hư hỏng nặng. Mặc dù chính quyền mới đã đưa ra chính sách xếp hạng, bảo vệ quần thể cố đô nhưng do nhiều định kiến về chính trị khi ấy đã khiến việc trùng tu tôn tạo gặp nhiều khó khăn và bị lãng quên.
Cho đến năm 1981 khi tổng giám đốc UNESCO ra lời kêu gọi cứu vãn và phát động một cuộc vận động quốc tế, đưa việc bảo tồn di tích Huế vào quỹ đạo ban đầu thì công tác này mới thực sự được chú trọng. Năm 1982, nhóm công tác Huế - UNESCO được thành lập để theo dõi, chỉ đạo công cuộc trùng tu lại di tích Huế. Dưới sự hỗ trợ và hợp tác của chính quyền Việt Nam, nhóm đã tổ chức 9 kỳ họp để triển khai, phân công công tác bảo tồn. Sau nhiều năm tích cực thực hiện công cuộc khôi phục, di tích Huế từng bước được cứu vãn và “hồi sinh”.
Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã vinh dự là di sản đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những năm sau đó, nhiều công trình hư hỏng tiếp tục được tu sửa, nâng cấp như Ngọ Môn, Thái Hòa, Kỳ Đài, Long An Điện… Năm 1998, UNESCO chính thức kiến nghị chấm dứt cuộc vận động cứu vãn di sản Huế để chuyển sang giai đoạn ủng hộ phát triển bền vững.
Nỗ lực bảo tồn di sản
Từ sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay đã tròn 20 năm, thành phố Huế đã không ngừng nỗ lực để giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị di sản. Tuy nhiên, việc bảo tồn không đồng nghĩa với giữ nguyên hiện trạng mà Huế đã biết tận dụng và phát huy những tiềm năng vốn có để tạo dựng nên thương hiệu xứng tầm trong khu vực và trên thế giới.
Năm 1993, với 17 cụm di tích khác nhau, phần lớn đã bị hư hại do chiến tranh, thiên tai, ý thức con người, một bài toán khó đặt ra là phải có một chiến lược cụ thể mang tầm quốc gia để bảo tồn di sản. Thực hiện chỉ đạo của các cấp chính quyền, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với sở, ban, ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế từ năm 1996 đến 2010.
Trải qua gần 15 năm, công tác bảo tồn đã được triển khai đồng bộ trên mọi mặt, từ trùng tu di tích, tôn tạo cảnh quan môi trường di sản đến hợp tác quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học… Chuyển sang giai đoạn 2010 - 2013, di sản Huế đã bắt đầu ổn định và phát huy những thế mạnh của một di sản văn hóa nhân loại.
Qua 20 năm có thể nói rằng, quần thể di tích cố đô Huế chưa khi nào bị “lãng quên” công tác trùng tu, tôn tạo. Tổng kinh phí giai đoạn 1996 - 2013 đã lên tới 800 tỷ đồng với 100 công trình kiến trúc được phục hồi, bảo quản, chống xuống cấp. Gần đây nhất, dự án trùng tu tổng thể kinh thành với mức đầu tư gần 1300 tỷ đã mở ra triển vọng phục hồi toàn diện hệ di sản độc đáo này trong tương lai. Không những thế, Huế còn chú trọng việc bảo vệ cảnh quan đô thị lịch sử như nạo vét sông Ngự Hà, tu bổ Hộ Thành Hòa, di dời 500 hộ dân sinh sống trong khu vực có di tích…
Có thể nói, để đạt được những kết quả như ngày nay chính là do các cấp, ngành và toàn thể nhân dân nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm khi Cố đô Huế được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, từ đó nỗ lực và nghiêm túc thực hiện các điều khoản trong Công ước 1972 về bảo vệ di sản.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù các chuyên gia UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác đã có những đánh giá tích cực trong việc triển khai các dự án tu bổ quần thể di tích Huế trong 20 năm vừa qua nhưng trước thực trạng hiện nay, di sản này cũng đang gặp phải không ít khó khăn thách thức.
Trước hết là những tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu lên di sản. Bên cạnh đó là bài toán giữa bảo tồn và phát triển cũng đặt ra không ít lo ngại bởi công tác di dời các hộ dân sống liền kề gần di tích chưa giải quyết được dứt điểm. Cho đến thời điểm này vẫn còn hơn 3000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch của di tích. Hơn nữa việc phát huy, khai thác các giá trị di sản tồn đọng nhiều hạn chế. Với sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia mỗi năm 25 tỷ cho công tác tu bổ và nguồn đầu tư của quốc tế, ngân sách địa phương… Huế đã có thế mạnh nhất định để bảo tồn, trùng tu di tích. Tuy nhiên con số thu được từ dịch vụ du lịch vẫn còn “khiêm tốn” so với tiềm năng di sản.
Hồi sinh toàn diện và phát triển bền vững
Những hạn chế trên đã phần nào làm suy giảm ít nhiều giá trị vốn có của di tích Huế. Vì vậy trong thời gian tới, vấn đề đáng quan tâm là cần làm gì để tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản? Nhiều ý kiến cho rằng, theo nguyên tắc “bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn” thì Huế cần đổi mới và sáng tạo để “bắt kịp” xu thế của nhân loại. Trước hết là tính toàn vẹn, chân xác của lịch sử, tiếp theo là phục vụ cho nhu cầu phát triển của con người.
Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở giữ nguyên “hình ảnh”, “hiện trạng” mà phải xác định đó là con đường bền vững để hướng tới mục tiêu đưa di sản trở thành một phần đời sống của chủ thể văn hóa. Không những thế, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể quản lý di sản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách và người dân địa phương. Đồng thời tạo dựng mối liên kết giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể để tạo thành sức mạnh tổng hợp, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu bởi Huế là địa phương đầu tiên và của nước ta có tới 2 di sản được UNESCO vinh danh. Nguồn lực kinh phí, chất xám cũng đáng được chú trọng vì thế cần tranh thủ sự ủng hộ, chung sức của nhiều đối tác trong nước và quốc tế.
Có thể nói, những thành công từ công cuộc bảo tồn giá trị di sản văn hóa tại Huế là bài học kinh nghiệm hết sức quý giá cho các khu di sản khác tại Việt Nam. Tất cả những kiệt tác của một giai đoạn phát triển trong lịch sử đã được gìn giữ, trân trọng để trở thành một hợp thể hài hòa, khẳng định vị trí trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Trên chặng đường tiếp theo vẫn sẽ có nhiều khó khăn thử thách nhưng với nền tảng vững chắc đã xây dựng, di sản này hứa hẹn là một điểm sáng trường tồn cùng thời gian và là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, lâu dài của vùng đất cố đô.