Đồng Tháp phát triển sản phẩm du dịch từ làng nghề di sản

Cập nhật:22/04/2015 08:39:35
Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài, thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhằm bảo tồn phát huy thế mạnh của làng nghề hơn 100 năm tuổi, nhiều nghệ nhân ở làng nghề cho ra các sản phẩm xuồng, ghe thu nhỏ dùng làm quà tặng du lịch, được nhiều du khách ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những chiếc xuồng cui, xuồng cần thơ, tắc ráng được anh Nguyễn Văn Tốt ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung làm thu nhỏ hơn nhiều lần so với kích thước thật, dùng để làm vật trang trí, hay làm quà tặng.

Theo anh Tốt, tuy sản phẩm làm ra kích thước khoảng 30-100cm nhưng vẫn trải qua đầy đủ các công đoạn như đóng một sản phẩm lớn ngoài thực tế. Các công việc như: xẻ ván, lấy chỉ, cưa, bào, uốn được làm cẩn thận, để có đầy đủ các bộ phận cần thiết. Sau đó mỗi người thợ mất thêm gần 2 ngày mới hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Anh Tốt cho biết để có sản phẩm như mong muốn đòi hỏi người thợ phải khéo léo hơn so với đóng một sản phẩm với kích thước thật bởi các công đoạn lắp ráp rất khó khăn khi các chi tiết nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế.

Các sản phẩm như ghe Cần Đước, xuồng Cui (Bà Đài) là sản phẩm có nhiều công đoạn khó nhất, trong đó, công đoạn uốn be phải chuẩn xác nếu không sẽ hư cả sản phẩm.

Hiện tại gia đình anh Tốt có các đơn hàng của các khu du lịch trong tỉnh, ngoài ra các khu du lịch ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long đã đặt với số lượng 50 chiếc/tháng.

Tùy vào đối tượng du khách mà người thợ có cách làm khác nhau, sản phẩm đóng đinh phục vụ cho khách địa phương và loại dán keo dùng cho khách quốc tế dễ dàng vận chuyển bằng máy bay, mỗi sản phẩm có giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng tuỳ theo loại và kích cỡ.

Ông Nguyễn Văn Nê, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, cho biết chính quyền địa phương cần hỗ trợ về nguồn vốn để các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị, vì hiện nay sản phẩm thực hiện hoàn toàn thủ công. Ngoài ra, cần quảng bá sản phẩm, tạo đầu ra ổn định thu hút các thợ đóng xuồng, ghe trở lại với ghề.

Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung có hướng phát triển dự án phát triển du lịch tại địa phương, trong đó chú trọng phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Đặng Thành Được, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung, cho biết hiện nay nghề đóng xuồng không còn phát triển như lúc trước, vì vậy những người thợ phải làm ra các sản phẩm làm quà tặng phục vụ du lịch, tạo hướng đi mới bảo tồn phát huy giá trị làng nghề. Trong thời gian tới huyện lập quy hoạch khu vực làng nghề, giữ lại nguyên trạng, kết hợp tham quan du lịch nhằm quảng bá sản phẩm./.

Nguồn: TTXVN