Cổ kính mái đình dưới chân núi Tổ

Cập nhật:01/07/2015 10:15:12
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa vẫn ví “chùa Nam, cầu Bắc, đình Đoài”, dưới chân Tản Viên Sơn hùng vĩ là một hệ thống những ngôi đình cổ còn tồn tại khá nguyên vẹn, phô diễn một vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm nhưng rất đỗi thân thuộc, gần gũi dẫu trải qua bao biến cố, thăng trầm.  

Nét đẹp độc đáo trong văn hóa Xứ Đoài

Xứ Đoài là vùng đất “sơn kỳ, thủy tú”, với núi Tản Viên huyền thoại, dòng sông Hồng chảy dài, xuyên suốt mấy nghìn năm lịch sử dân tộc, chứa đựng biết bao huyền tích văn hóa từ thủa khai thiên lập địa của cư dân Việt cổ. Bên cạnh những dấu tích và các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, hệ thống đình làng như: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (đình Chàng), đình Thụy Phiêu, đình Mông Phụ…được coi là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của xứ Đoài.

Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa xứ Đoài. Trong tâm thức của người Việt nói chung, người dân xứ Đoài nói riêng, hình ảnh “cây đa - bến nước - sân đình” luôn là biểu tượng gần gũi, thân thuộc của quê hương, đất nước. Người xứ Đoài còn ví “con một như cột đình Chàng” đủ để thấy vai trò và giá trị biểu tượng của những ngôi đình làng trong đời sống tinh thần của dân làng nơi đây.

Tiêu biểu trong hệ thống đình làng Bắc Bộ nói chung, các đình làng xứ Đoài nói riêng, đình Tây Đằng và đình Chu Quyến hàm chứa những giá trị văn hóa đặc sắc, không chỉ là hai trong số những ngôi đình cổ nhất nước ta còn tồn tại khá nguyên vẹn đến ngày nay, mà còn là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… thuần Việt. Ông Phùng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tây Đằng cho biết: “Đình Tây Đằng được khởi dựng từ thế kỷ XVI (thời Mạc), là một trong những di tích kiến trúc, nghệ thuật cổ kính, tiêu biểu và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, đình Tây Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, đây là niềm tự hào lớn của chính quyền và nhân dân Thị trấn Tây Đằng nói riêng, người dân xứ Đoài nói chung”. Còn anh Nguyễn Bá Vận - một người con xứ Đoài xa quê cũng tâm sự rằng, đình làng luôn là dấu ấn văn hóa không thể nào quên trong anh, dù làm ăn xa quê, nhưng mỗi dịp lễ hội truyền thống của làng, của xã, anh đều cố gắng sắp xếp công việc trở về tham dự để tìm lại những ký ức tuổi thơ êm đềm của mình bên những mái đình làng cổ kính.

Nơi thăng hoa nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt

Trong lịch sử kiến trúc nghệ thuật Việt Nam, nếu như đền, chùa thường chịu ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai khá mạnh mẽ, thì đình làng vẫn luôn là “sản phẩm” khá thuần Việt. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến đình Tây Đằng và đình Chu Quyến của xứ Đoài mây trắng. Cả hai ngôi đình này đều tiêu biểu cho kiến trúc đình làng cổ nhất đang tồn tại, ra đời từ khoảng thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII, thời kỳ mà kiến trúc làng Việt phát triển mạnh mẽ.

Đình Tây Đằng và đình Chu Quyến là hai trong số ít các di tích được xếp hạng sớm nhất ở Việt Nam (đầu những năm 60 của thế kỷ trước) được coi là tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Bắc Bộ cả về quy mô, vật liệu, kỹ thuật tạo dựng, quy chuẩn tạo hình, thủ pháp tạo hình, sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc, mang nhiều nét đặc trưng của một ngôi đình truyền thống Việt Nam với mặt bằng chữ nhật, cấu trúc khung gỗ truyền thống, sàn gỗ nhiều cấp, với kết cấu không gian mở, tổ chức không gian trong đình phù hợp với không gian sinh hoạt truyền thống, thể hiện rõ tính dân tộc.

Nét đặc sắc nhất trong tổng thể kiến trúc những ngôi đình xứ Đoài chính là hoa văn chạm trổ trang trí bên trong đình. Các đầu đao, xà, đấu, kèo, cốn của đình đều uốn cong có gắn long, ly, quy, phượng hay các con giống bằng đất nung màu gan trâu. Trong đó, nổi bật nhất là các hình chạm khắc rồng theo phong cách rồng thời Trần và các họa tiết chim phượng theo lối múa xòe cả hai cánh. Đặc biệt, ở đình Tây Đằng, trên các cột xà xung quanh mái đình còn chạm khắc những “bức tranh” mô tả sống động một quy trình khép kín của cuộc sống người Việt cổ, với đề tài là các hoạt động của con người từ thời khai thiên lập quốc cho đến thế kỉ XVI, như săn bắn, hái lượm, chiến đấu, bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát... với kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm thủ uyển chuyển, nhịp nhàng, mềm mại, tuyệt nhiên không bị lai tạp hay chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, thể hiện trọn vẹn tư duy, trí tuệ của người Việt cổ. Và tài tình hơn, toàn bộ hơn 1000 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề bị trùng lặp.

Lý giải về sự thăng hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt thể hiện trong nghệ thuật điêu khắc đình làng xứ Đoài, cố hoạ sỹ, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Đỗ Cung đã viết: Khi mà hệ tư tưởng phong kiến thống trị, nghệ nhân ở thôn xã chỉ lặp lại những tác phẩm kinh điển và những mẫu dập khuôn của nền nghệ thuật cung đình: Rồng, Phượng, Lân, Rùa cứng nhắc trong tư thế oai nghiêm theo những mẫu nước ngoài. Nhưng khi những phong trào nông dân ít nhiều lay chuyển xã hội truyền thống thì nghệ thuật dân gian lại nở rộ và thăng hoa, không một con vật nào, không một nhân vật nào, không một cảnh nào hoàn toàn giống nhau từ bức chạm này đến bức chạm khác, mặc dầu cùng thể hiện một đề tài.

Nguồn: langvietonline