Hậu Giang: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn

Cập nhật:15/10/2015 11:00:16
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, từ năm 2010 đến nay, địa phương này đã đầu tư hơn 135 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo các khu di tích và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện, lượng khách du lịch đến với Hậu Giang ngày càng tăng so với những năm trước đây.

Lễ hội đua ghe trên kênh Xà No - Hậu Giang. (Ảnh: K.V)

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang đánh giá cao vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, tỉnh đang chủ trương tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Cùng với sự nỗ lực, chung sức của ngành du lịch và cộng đồng, những năm qua, du lịch Hậu Giang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Khách du lịch đến Hậu Giang tăng bình quân trên 5%/năm; một số dự án về du lịch đã và đang được triển khai; các dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành bước đầu phát triển.

Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kết nối với các tour, tuyến du lịch của các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, Hậu Giang có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, lồng trong chương trình du lịch tổng hợp, như tham quan du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục bảo vệ môi trường; vui chơi, giải trí trên sông và nghỉ ngơi dân dã…

Cùng với đó, Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử - cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Đó là các di tích như: Di tích chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng Tầm Vu; Đền thờ Bác Hồ; Khu căn cứ Tỉnh ủy; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu…

Hậu Giang còn được biết đến với những vườn cây trái đặc sản như vườn bưởi năm roi Phú Hữu, xoài cát Hòa Lộc ở Châu Thành A, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy…Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn có Kênh xáng Xà No - con kênh mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng của Hậu Giang, đồng thời là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của địa phương này với thành phố Cần Thơ. Kênh xáng Xà No là một điểm du lịch không thể thiếu đối với những du khách đến Hậu Giang.

Hậu Giang có hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực khá thuận lợi. Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Vị Thanh có nhiều khách sạn được đưa vào khai thác với khoảng 1.000 phòng... Đây là tiềm năng lớn để Hậu Giang thu hút khách du lịch đến với địa phương ngày một tăng cao và ngành du lịch Hậu Giang phát triển tương xứng với vị trí của nó.

Để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa

Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng ngành du lịch Hậu Giang vẫn còn gặp khó khăn, chính vì vậy, thời gian qua tỉnh đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển. Theo đó, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch Hậu Giang từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Kế hoạch chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm để du lịch Hậu Giang phát triển là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Ngành du lịch Hậu Giang sẽ phối hợp cùng các địa phương, đơn vị doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch theo hướng: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch nhằm thu hút du khách. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch. Điều đáng quan tâm là trong kế hoạch phát triển này, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các dự án du lịch theo hướng tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch...

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hậu Giang đã tập trung lập quy hoạch phát triển du lịch đối với các khu vực ưu tiên phát triển. Theo đó, các khu vực có tài nguyên du lịch hấp dẫn phải có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở lập dự án và quản lý thực hiện các dự án đầu tư du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu, tuyến, điểm du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch. Chú trọng phát triển vùng và dịch vụ trọng điểm, nhất là hai đô thị lớn của tỉnh Hậu Giang là thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy.

Hậu Giang sẽ xây dựng mới và nâng cấp các trục đường tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu vùng phát triển; xây mới, nâng cấp hệ thống các tuyến đường huyện, đường nội thị, hệ thống bến xe, các cầu cống, hệ thống giao thông đường thủy; xây dựng mới các tuyến đường ô tô về trung tâm xã ở những địa phương chưa có; kết hợp hoàn thiện hệ thống thủy lợi với phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, nhất là giao thông nông thôn, sớm xây dựng hệ thống cầu phục vụ giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực.

Nâng cấp và mở rộng các tuyến đường bộ, đường thủy đến các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn, như đường vào Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, Di tích Đền thờ Bác Hồ…Từng bước hoàn thiện các công trình văn hóa - thể thao gắn với du lịch, như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Sân vận động tỉnh, bến tàu du lịch tại Chợ nổi Ngã Bảy và trên Kênh xáng Xà No. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh đón 500.000 lượt du khách với doanh thu 200 tỷ đồng và năm 2030 đón 1,2 triệu lượt du khách với doanh thu 440 tỷ đồng./.
 

Nguồn: ĐCSVN