Dự án “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng,” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện trong ba năm (2014-2017), đã và đang là cơ hội “phục sinh hồn cốt” làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.Sáng ngày 04/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2015, kỷ niệm 597 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Vịnh Hạ Long
Mặt khác, dự án còn tạo điều kiện để ngư dân nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Hướng tới sự bền vững
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1994 và đã từ lâu, luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy vậy, sự phát triển kinh tế-xã hội khá “nóng” đang tạo ra những áp lực ngày một gia tăng cho vùng Vịnh và cho chính những cộng đồng dân cư địa phương. Đó là hệ quả hủy hoại môi trường từ các hoạt động kinh tế, thiếu sự điều phối giữa các bên hưởng lợi từ Vịnh.
Đặc biệt là sự vào cuộc còn hạn chế của cộng đồng địa phương, nhất là người dân sống ở đây từ nhiều đời và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý tổng hợp bền vững Vịnh Hạ Long.
Bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD)-chủ Dự án “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” ( gọi chung là Dự án) cho biết mục tiêu của Dự án là thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ở địa phương trong và ngoài nhà nước và đại diện cộng đồng, có liên quan mật thiết đến quản lý và khai thác Vịnh Hạ Long phát huy tinh thần hợp tác tích cực, có năng lực duy trì tính bền vững của cơ chế hợp tác.
Cơ chế liên minh hợp tác các bên liên quan đến Dự án là hướng tới quản lý và khai thác bền vững Vịnh Hạ Long, trong đó ưu tiên quan tâm dến hoạt động nuôi trồng thủy sản như một ngành điển hình, từ khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.
Dự án có tổng nguồn vốn thực hiện hơn 17 tỷ đồng, trong đó có hơn 13 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại. Dự án gồm có bốn nội dung chính yếu: Hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý theo tiếp cận tổng hợp và nuôi trồng thủy sản bền vững trên Vịnh Hạ Long gắn với bảo tồn di sản; cộng đồng tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện thí điểm trình diễn nuôi trông thủy sản bền vững; tăng cường tuyên truyền thúc đẩy hợp tác đa ngành và sự tham gia của các bên liên quan; tăng cường năng lực thực hiện, giám sát, đánh giá dự án và cơ chế tổ chức thực hiện.
Nhận thức rõ Dự án sẽ góp phần tăng cường bảo vệ cảnh quan và môi trường, quản lý khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đồng thời hình thành mô hình thí điểm và vận hành có hiệu quả việc phát triển nuôi trồng bền vững kết hợp du lịch trên Vịnh Hạ Long, ngày 24/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện. Tiếp đó ngày 6/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh có thông báo chấp thuận địa điểm thực hiện mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, gắn với du lịch có trách nhiệm.
Đề cập về sự khả thi của Tiểu Dự án 2 nằm trong khuôn khổ Dự án, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Quảng Ninh cho biết nhằm quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long, khai thác bền vững tiềm năng du lịch theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân làng chài trên Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020. Có thể nói, Tiểu dự án 2 là “động lực” góp phần thúc đẩy Đề án sớm thành hiện thực.
Theo nội dung của Đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020, có bốn trong bảy làng chài đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quy hoạch trước đây là làng chài Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong đã được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng làng chài.
Như vậy, mỗi làng chài sẽ gắn với một mô hình phát triển du lịch riêng biệt. Làng chài Ba Hang là mô hình làng chài gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, trồng rừng; đưa đón khách tham quan; cho thuê kayak; bán hàng lưu niệm.
Làng chài Hoa Cương Hạ Long nuôi cá lồng, chợ hải sản, giới thiệu kỹ thuật nuôi trồng hải sản, cung cấp vật tư và dịch vụ ăn uống.
Làng chài Cửa Vạn là làng chài tự quản gắn với Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, trưng bày không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hoá làng chài; dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan làng chài, hệ sinh thái rừng; leo núi, xem động vật hoang dã trên núi.
Làng chài Vông Viêng đánh bắt hải sản bằng công cụ truyền thống, trải nghiệm cuộc sống ngư dân; dịch vụ lưu trú; tham quan nuôi nuôi trai lấy ngọc; giới thiệu các nghề truyền thống và ngư cụ truyền thống; du lịch trải nghiệm “Đánh cá cùng ngư dân.”
Khu tái định cư mới Cái Xà Cong của ngư dân từ Vịnh Hạ Long lên định cư trên bờ là mô hình làng chài tái định cư tiêu biểu; dịch vụ bán hải sản, đồ lưu niệm, thủ công; thưởng thức ẩm thực, duy trì các hoạt động đánh bắt, nuôi hải sản để hỗ trợ dịch vụ…
Cùng với các sản phẩm du lịch đặc trưng, Đề án cũng đề xuất xây dựng một số tour, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long gắn với phát triển sản phẩm du lịch làng chài.
Cơ hội và thách thức
Với mục đích giảm thiểu ô nhiễm và sự tác động xấu đến cảnh quan môi trường, đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân các làng chài, tháng 3/2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã khởi công Dự án tái định cư cho người dân làng chài, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ dân làng chài di chuyển lên bờ, xây dựng Khu tái định cư Cái Xà Cong ở phường Hà Phong (thành phố Hạ Long).
Đến nay, gần 330 hộ dân làng chài với khoảng 3.000 nhân khẩu thuộc bảy làng chài nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long đã được lên bờ nhận nhà và ổn định cuộc sống. Tại nơi ở mới, ngư dân làng chài cũ được chính quyền địa phương tạo điều kiện giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để các hộ đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền... Nhiều ngư dân tiếp tục bám biển làm nghề đánh bắt cá hoặc tham gia trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Theo nhận xét của bà Đinh Ninh Hằng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, kể từ khi đặt chân lên đất liền, đa phần người dân Khu tái định cư Cái Xà Cong vẫn đau đáu với nghề biển mà cha ông họ đã truyền dạy bao đời nay. Nên cho dù có “nhà cao cửa rộng," được đào tạo ngành nghề mới nhưng họ chỉ “định cư" mà không thể “định canh.” Không ít người trong số họ đang tự ý trở lại nghề đánh bắt hải sản ven bờ, hoặc lén lút trở lại nơi làng chài cũ nuôi trồng thủy sản trái phép. Do đó, khi được biết Tiểu Dự án 2 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, kể cả Ban Quản lý Vịnh cho đến người dân làng chài đều kỳ vọng Dự án này sẽ sớm thành hiện thực, giúp "phục sinh" làng chài truyền thống để họ được làm đúng nghề, tạo dựng được cuộc sống bền vững mà không làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan "độc nhất vô nhị" của Vịnh Hạ Long.
Đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định đến Quảng Ninh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng hệ thống đảo đá nhấp nhô trên mặt nước với muôn hình vạn trạng, trước vẻ đẹp huyền bí, kỳ diệu ẩn chứa trong lòng các đảo, mà du khách còn được khám phá làng chài Cửa Vạn trên Vịnh này. Vì với bề dày lịch sử hình thành các làng chài trên mặt Vịnh từ cuối thế kỷ thứ 19, các làng chài định cư đã tạo cho mình một nền văn hóa rất khu biệt. Do đó không chỉ là tò mò, nhiều du khách còn tìm đến đây để trải nghiệm và nghiên cứu về đời sống cộng đồng của cư dân vạn chài địa phương.
Minh chứng là nếu như năm 2012, làng chài Ba Hang mới đón được hơn 44.000 lượt khách, đến năm 2013 đã đón được gần 122.000 lượt. Làng chài Cửa Vạn năm 2012 đón được hơn 27.000 lượt, năm 2013 đón được hơn 37.000 lượt. Làng Vung Viêng năm 2012 đón gần 64.000 lượt, năm 2013 đón trên 91.500 lượt khách...
Kể từ khi tỉnh Quảng Ninh di dời tái định cư cho các làng chài trên Vịnh lên bờ, Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long đã có nhiều nỗ lực phục dựng lại làng chài cũ tại một số điểm. Tuy nhiên, theo nhận xét của khách du lịch: "Làng chài có cốt nhưng thiếu hồn," bởi những ngôi nhà bè hoang vắng vì không ai được phép sống trên đó. Nếu muốn hiểu nếp sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của làng chài, du khách chỉ biết tưởng tượng qua lời thuyết minh sơ lược của hướng dẫn viên mà thôi.
Theo lời ông Tăng Văn Phiếm, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, hiện phần lớn cộng đồng ngư dân tại các làng chài đều có nguyện vọng muốn được chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt, nuôi trồng hải sản sang phục vụ du lịch. Ông và người lao động ở các làng chài rất hy vọng với “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng,” các làng chài trên Vịnh Hạ Long sẽ được "phục sinh," tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch để cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống và qua đó hạn chế các tác động của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh cơ hội "phục sinh hồn cốt" của làng chài trên Vịnh Hạ Long, những thách thức cũng được đề cập đến. Chẳng hạn, nếu như lộ trình thực hiện Tiểu dự án 2 thiếu chặt chẽ, sẽ có nguy cơ bùng phát những làng chài nuôi trồng, đánh bắt nguồn lợi thủy sản theo kiểu "mạnh ai nấy làm" gây áp lực môi trường và khai thác tài nguyên thiếu bền vững như trước năm 2014. Đó là chưa kể trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, cộng đồng làng chài còn phải chịu tác động nguy hiểm từ nguy cơ nước biển dâng và thiên tai phức tạp khó lường.
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cẩn trọng xem xét đánh giá và chỉ chấp thuận địa điểm thực hiện mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch duy nhất tại "khu vực Vung Viêng, Vịnh Hạ Long, theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh" mà thôi.
Phân tích về tính bền vững của Dự án riêng về mặt xã hội, bà Hồ Thị Yến Thu nhấn mạnh tuy tổng vốn đầu tư của Dự án rất khiêm tốn, nhưng nếu các giải pháp triển khai thực hiện đúng như yêu cầu đặt ra, Dự án sẽ nâng cao hiệu quả sinh kế thân thiện với môi trường, tăng cường nhận thức, năng lực cho các nhóm cộng động có liên quan gắn kết với Vịnh Hạ Long, góp phần ổn định việc làm lâu dài cho cư dân làng chài. Đặc biệt là giảm thiểu mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giữa các ngành trong việc sử dung tài nguyên, phân phối lợi nhuận một cách công bằng hơn từ nuôi trồng thủy sản và các hoạt động kinh tế biển khác.
Kinh nghiệm từ mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch bền vững của Dự án, có thể nhân rộng ra trên địa bàn Quảng Ninh và những địa phương có biển của Việt Nam./.