Bộ VHTTDL vừa có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước đi theo chương trình du lịch do các công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức.
Theo đó, thực hiện Công văn số 810/VPCP-HTQT ngày 6/5/2016 của Văn phòng Chính phủ đề nghị cho ý kiến về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước trên cơ sở Công văn số 818/BC-BNG-LS-m ngày 29/4/2016 của Bộ Ngoại giao, mới đây, Bộ VHTTDL đã có công văn trả lời gửi Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, Bộ VHTTDL nêu rõ, Đề án miễn thị thực cho khách du lịch theo chương trình du lịch do các công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức (hay còn gọi là khách du lịch theo tour trọn gói) được đề xuất theo quan điểm định hướng thị trường, định hướng sản phẩm và quản lý khách du lịch từ khi nhập cảnh tới khi xuất cảnh. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm mục đích kích cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn trật tự thông qua việc quản lý khách theo đoàn, theo chương trình du lịch của các công ty lữ hành quốc tế.
Bộ VHTTDL nêu rõ, việc thực hiện miễn visa cho khách du lịch theo tour trọn gói không chỉ quản lý được nguồn khách mà còn quản lý được các DN lữ hành quốc tế tham gia chương trình (Ảnh: Hoàng Thành)
Việc Bộ VHTTDL đã đề xuất lựa chọn 13 thị trường gồm: Úc, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Canada, Áo, Hà Lan, Bỉ, Azerbaijan, Kazakhstan, Uzberkistan và Ấn Độ để áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch đi theo tour trọn gói đã nhằm vào những thị trường quan trọng, tiềm năng mà Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác.
Đối tượng áp dụng chính sách này chiếm khoảng từ 46-50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chủ yếu là đối tượng khách đi với mục đích thăm quan nghỉ dưỡng. Việc áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đi theo tour sẽ góp phần tăng nhanh lượng khách trong thời gian tới, đảm bảo được mục tiêu về tăng trưởng lượng khách và thu nhập từ khách theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Về quy mô đoàn khách, Bộ VHTTDL bảo lưu quan điểm chỉ cần quy định thời gian và quy mô đoàn tối thiểu khách du lịch đi theo tour trọn gói trong thời gian từ 3 ngày trở lên, với đoàn khách tối thiểu từ 5 người và khách phải sử dụng các dịch vụ như: hướng dẫn viên, lưu trú, vận chuyển, ăn uống… là có thể xác định khách đi với mục đích du lịch thuần túy và đảm bảo công tác quản lý khách theo chương trình du lịch.
Bộ VHTTDL nhấn mạnh, việc quy định thời gian lưu trú tối thiểu 10 ngày hay chỉ áp dụng miễn visa đối với những đoàn khách đông từ 30-50 người sẽ không linh hoạt và sẽ gặp khó khăn trong việc thông tin quảng bá chính sách miễn thị thực, chào bán, tổ chức thực hiện các chương trình du lịch. Để kiểm soát đối tượng khách và việc tổ chức đoàn khách của doanh nghiệp (DN) lữ hành, có thể yêu cầu DN lưu hồ sơ, chứng từ hóa đơn sử dụng dịch vụ của từng đoàn khách.
Ngoài ra, Công văn của Bộ VHTTDL nêu rõ, việc thực hiện miễn visa cho khách du lịch theo tour trọn gói không chỉ quản lý được nguồn khách mà còn quản lý được các DN lữ hành quốc tế tham gia chương trình (về chất lượng dịch vụ, trách nhiệm đối với khách, nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước).
Do vậy, việc chỉ giới hạn từ 5-10 công ty lữ hành hàng đầu tham gia chương trình theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là chưa phù hợp, hạn chế khả năng kinh doanh của DN. Hiện nay có trên 1.500 DN lữ hành quốc tế được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ VHTTDL, dự kiến sẽ chọn lựa khoảng 10-15% tổng số DN lữ hành tham gia chương trình. Đối với mỗi DN khi tham gia sẽ phải đề xuất các sản phẩm tour trọn gói cho mỗi thị trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ định hướng các DN tập trung vào gói các sản phẩm có chất lượng cao, tập trung và định hướng khai thác sản phẩm theo chủ đề hàng năm, ưu tiên các điểm du lịch mới được đầu tư, khuyến khích sử dụng các dịch vụ mới, đường bay mới.
Đặc biệt, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, chính sách này sẽ góp phần quản lý được hoạt động kinh doanh đón khách Trung Quốc hiện nay nếu khách đi theo các công ty lữ hành quốc tế đăng ký tham gia chương trình. Công ty lữ hành quốc tế tham gia đón khách phải cung cấp số lượng hách, thời gian, chương trình cho cơ quan liên quan trong thời gian đón khách. Công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ có đầu mối và đối tượng cụ thể.
Cuối cùng, Bộ VHTTDL khẳng định bảo lưu quan điểm đề xuất 13 thị trường nêu trên. Chính sách này thực tế không áp dụng miễn visa cho tất cả các công dân các quốc gia này mà chỉ áp dụng đối với đối tượng khách đi theo chương trình du lịch của công ty lữ hành quốc tế, được Bộ Công an (Cục Quản lý XNC) xét duyệt nhân sự trước khi vào Việt Nam và được các công ty lữ hành quốc tế chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đoàn tham quan du lịch tại Việt Nam.
Bộ VHTTDL đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến trên, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Lâm Minh