Tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định về thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hướng dẫn du lịch là một nghề tự do, người muốn hành nghề hướng dẫn du lịch phải đáp ứng các điều kiện và được cấp thẻ mới được hành nghề.
Điều 73 Luật Du lịch 2005 quy định “hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể.
Trường hợp cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, tại Điều 73 Luật Du lịch 2005 quy định: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp thì được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Trường hợp hướng dẫn viên du lịch quốc tế, phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; sử dụng thành thạo ngoại ngữ thì được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Trên thực tế, đang tồn tại trường hợp người có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì không hướng dẫn được khách quốc tế (do không xin được việc tại các doanh nghiệp lữ hành quốc tế), còn người có thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế do thiếu hướng dẫn viên vào mùa cao điểm thì có thể hướng dẫn khách quốc tế; hoặc đối với những người sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng nhưng không có trình độ cử nhân nên không cấp thẻ được để họ có thể hành nghề hướng dẫn hợp pháp, nhưng khi doanh nghiệp không tìm được hướng dẫn viên phù hợp vẫn phải sử dụng họ dẫn đến đến trường hợp hành nghề hướng dẫn trái quy định. Hoặc những trường hợp người tốt nghiệp cao đẳng không phải chuyên ngành hướng dẫn nhưng học tại các trường đào tạo về du lịch, mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác về cấp thẻ mà không thể xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế do trái quy định pháp luật hiện hành.
Về chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, trên thực tế đang tồn tại hai phương thức học tại các trường được ủy nhiệm đào tạo hoặc tham gia kỳ thi do Tổng cục Du lịch ủy quyền tổ chức.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân của thực trạng trên là do: Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cao hơn so với tiêu chuẩn nghề lao động, mà thực tế nếu là nghề thì chỉ cần đáp ứng kỹ năng nghề là đạt yêu cầu. Luật Du lịch 2005 không quy định cụ thể hình thức đào tạo hay cách thức có chứng chỉ hướng dẫn nghiệp vụ du lịch (được xem là chứng chỉ nghề).
Hậu quả của việc này là: Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, không có biện pháp quản lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi muốn cấp thí điểm thẻ hướng dẫn viên đặc cách cho đối tượng đã làm nghề hướng dẫn lâu năm (đã hoạt động trước khi Luật Du lịch 2005 ban hành), sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng trong khi nhu cầu xã hội rất cao. Đối với doanh nghiệp, không có đủ lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp để phục vụ đáp ứng yêu cầu hướng dẫn khách. Đối với công dân, không tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng các điều kiện để được cấp thẻ hành nghề.
Điều kiện hành nghề và cấp thẻ hướng dẫn du lịch
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định theo hướng điều chỉnh cách thức để có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Cụ thể, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Hướng dẫn viên du lịch tại điểm được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn du lịch: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, trách nhiệm, có ý thức chấp hành pháp luật; tốt nghiệp trung cấp trở lên đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; tốt nghiệp cao đẳng trở lên đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; có chứng chỉ nghề hướng dẫn viên du lịch quốc gia hoặc chứng nhận đạt tiêu chuẩn về trình độ hướng dẫn du lịch do Tổng cục Du lịch cấp đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; có chứng nhận đạt tiêu chuẩn về trình độ hướng dẫn du lịch do Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế (Đối với các trường hợp sử dụng ngoại ngữ ít thông dụng, Chính phủ quy định cụ thể trong từng thời kỳ).
Tuệ Văn.