Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa, đến tháng 5/2017, toàn huyện có 66.500 lượt người đến tham quan du lịch, tăng 6.500 lượt người so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 60,7 tỷ đồng.
Du khách nước ngoài trải nghiệm làm món ăn truyền thống của người dân Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)
Nhiều điểm du lịch thu hút đông khách đến tham quan như: Thác Bản Ba, xã Trung Hà; hang Thẳm Hốc, Thẳm Vài, Bó Ngoặng xã Phúc Sơn; hang Núi Chùa, hang Mỏ Bài, động Bản Pài xã Minh Quang; thác Lụa, xã Hà Lang, Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa... Huyện đang tập trung quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tăng cường quảng bá các sản vật đặc trưng tại địa phương, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch tại gia đình, cộng đồng.
Nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Chiêm Hóa đã lựa chọn hình thức du lịch trải nghiệm cuộc sống thực tế, tham gia sinh hoạt văn hóa và các hoạt động của người dân bản địa như đánh cá, chăm sóc vườn rau, nấu nướng và thưởng thức các món ăn truyền thống của các dân tộc nơi đây. Tại nhiều thôn bản, bước đầu đã có những hộ dân có đầy đủ điều kiện đăng ký cho du khách ở tại nhà như ở: Thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà hiện có 5 hộ gia đình cung cấp dịch vụ homestay, gồm 3 nhà sàn dân tộc Tày, Dao và 2 nhà đất dân tộc Mông; thôn Biến, xã Phúc Sơn có 3 hộ gia đình có nhà ở rộng rãi đáp ứng hàng chục chỗ nghỉ cho du khách…
Khi tham gia du lịch cộng đồng, du khách được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc như: Làm đàn tính, nghe hát Then, hát Cọi, giới thiệu lịch sử ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày… Ông Dominique Bruneau đến từ nước Pháp chia sẻ, ông từng đến thác Bản Ba và ở nhà sàn của người dân bản địa, ăn những món ăn dân dã nhưng rất ngon, nghe hát Then cả đêm không chán. Chắc chắn trở về nước, ông sẽ giới thiệu với người thân và bạn bè về những điều thú vị của mảnh đất và con người nơi đây.
Du lịch cộng đồng phát triển không chỉ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mà còn góp phần vào công tác bảo tồn những nét văn hóa bản địa. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Theo ông Trần Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Sông Gâm, trong thời gian qua, ngoài nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách, công ty còn liên kết với người dân cung cấp các đặc sản của địa phương để sẵn sàng phục vụ khi du khách có nhu cầu.
UBND huyện Chiêm Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch địa phương. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch Phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung vào các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương đến với du khách. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, phát triển các tour du lịch đến các điểm, khu du lịch trong huyện; tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện, khuyến khích các địa phương, người dân phát triển sản phẩm du lịch để tạo được ấn tượng với du khách khi đến với huyện…
Với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Chiêm Hóa phấn đấu đến hết năm 2020 đón trên 110 nghìn lượt khách đến tham quan. Từ đó, tạo việc làm cho 2 nghìn lao động tham gia vào các hoạt động du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Huy Hoàng