Du lịch Bến Tre được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; các hệ thống hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư; song hành cùng các cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông đưa vào hoạt động liền mạch không còn là tỉnh lẻ, phải ngăn sông lụy phà như xưa.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch được thành lập, chương trình xúc tiến, quảng bá và giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Hiệp hội Du lịch Bến Tre, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên cũng ra đời đã tạo sân chơi hữu ích, tạo sự đoàn kết, gắn kết trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của các doanh nghiệp, các hướng dẫn viên;... góp phần cho du lịch có những thành quả nhất định trong thời gian qua từ 2011 đến nay.
Hoạt động xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội. ảnh LL
Công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu xúc tiến hình ảnh đất, người Bến Tre trên các phương tiện thông tin đại chúng với trên 500 tin/bài được đăng tải; số lượng ấn phẩm xuất bản trên 50.000 ấn phẩm và phát hành 124.000 ấn phẩm của Trung tâm và các doanh nghiệp du lịch; Công tác tuyên truyền quảng bá trên mạng Internet qua các website như: UBND tỉnh; Sở VHTTDL; Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Tổng cục Du lịch; Trang thông tin điện tử Du lịch Bến Tre; trang web các tỉnh liên kết và thông qua các trang mạng xã hội hội như: Blogger (tiếng Việt và tiếng Anh), facebook và trên 20 diễn đàn về du lịch;
Sản xuất VCD Du lịch Xứ Dừa (10 tập); DVD Du lịch trên Xứ Dừa thời lượng 25 phút; Phim quảng bá “Du lịch Bến Tre - Tiềm năng và phát triển” thời lượng 7 phút. Ngoài ra nhiều phim phóng sự liên quan đến du lịch trong phát triển kinh tế đại phương. Gồm các ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa.
Tổ chức 13 sự kiện về du lịch tại địa phương và 75 sự kiện, hoạt động, hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài nước như: Hội chợ du lịch Berlin (Đức); Hội chợ VITM Hanoi; Ngày hội Du lịch TP.HCM; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM - ITE HCMC; Các kỳ festival tại các tỉnh bạn; các kỳ MDEC trong vùng ĐBSCL và các hoạt động khác của các tỉnh/thành trong cả nước; tổ chức trên 30 cuộc khảo sát để xây dựng, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thực hiện 02 dự án Khoa học và công nghệ gồm: "Nâng cao chất lượng điểm du lịch tỉnh Bến Tre", đã được nghiệm thu và nhân rộng; “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình homestay kiểu mới tại Bến Tre” đang thực hiện.
Gần 40 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch ngắn hạn được tổ chức cho các nhân sự phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh trong cụm liên kết như: Tập huấn nguồn nhân lực du lịch; tập huấn du lịch cộng đồng; lớp nâng cao kiến thức quản lý về du lịch; lớp sơ cấp nghiệp vụ bàn; tập huấn nghiệp vụ du lịch phục vụ trên phương tiện thủy nội địa; phương tiện đường bộ (xe ngựa) và đờn ca tài tử; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và kỹ năng Nhà hàng - Khách sạn; lớp tập huấn du lịch biển, …
Đồng hành cùng với các doanh nghiệp lữ hành thực hiện nhiều cuộc khảo sát xây dựng điểm du lịch, chương trình du lịch tại Bến Tre và liên tỉnh. Hiện tại, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện 05 chương trình chính như sau:
+ Chương trình 1: TP.Bến Tre - Châu Thành, các xã ven sông Tiền.
Du thuyền trên sông Mekong qua cụm cù lao Long - Lân - Qui - Phụng, chèo xuồng trong rạch dừa nước, đi xe ngựa đường làng. Thưởng thức trái cây, trà mật ong, đờn ca tài tử, tham quan lò kẹo dừa, di tích Đạo Dừa tham quan vườn cây ăn trái.
+ Chương trình 2: Thành phố Bến Tre
Du thuyền trên sông Bến Tre, đi xe lam đường làng, chèo xuồng trên kênh rạch nhỏ. Tham quan lò gạch, cơ sở sơ chế trái dừa, lò kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa, làng nghề dệt chiếu.
+ Chương trình 3: TP.Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri (Du lịch về nguồn)
Tham quan Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc; Di tích quốc gia đặc biệt Khu mộ và đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; làng nghề rượu Phú Lễ; làng nghề đan đát Phước Tuy; Vườn chim Vàm Hồ và nhiều di tích, điểm đến khác.
+ Chương trình 4: TP.Bến Tre - Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách
Tham quan sản phẩm du lịch TP.Bến Tre; di tích lịch sử căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4); làng nghề hoa kiểng và cây giống Cái Mơn, vườn cây ăn trái, nhà thờ cổ Cái Mơn lớn nhất vùng, nhà bia tưởng niệm nhà Bác học Trương Vĩnh Ký; các khu du lịch sinh thái và thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa…
+ Chương trình 5: TP.Bến Tre - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú
Du thuyền trên sông Thom - Mỏ Cày Nam tham quan làng nghề khai thác dừa, trải nghiệm chợ nổi dừa, chèo thuyền trong rạch, tham quan lò kẹo dừa, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Di tích Đồng Khởi; Nhà cổ Huỳnh Phủ - Đại Điền; Khu di tích lịch sử cách mạng đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Đường Hồ Chí Minh trên biển) trải nghiệm rừng ngập mặn và tắm biển phù sa, thưởng thức thủy hải.
+ Ngoài ra, Trung tâm cùng Doanh nghiệp xây dựng các tuyến liên kết Bến Tre - Mỏ Cày - Trà Vinh để tiếp nhận khách hai chiều trên tuyến các tỉnh ven biển. Trung tâm làm đầu mối liên kết doanh nghiệp địa phương ký hợp tác sử dụng dịch vụ lẫn nhau với doanh nghiệp của các tỉnh trong tiểu vùng cụm liên kết phía Đông ĐBSCL, Tp. Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Yên, …
Với sự nổ lực song hành của các Doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã đưa du lịch Bến Tre phát triển tốt, du khách trong và ngoài nước biết đến thương hiệu du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ dừa". Từ đó đã thu hút được lượng khách ngày càng tăng so với cùng kỳ. Nếu như năm 2010, lượng khách về Bến Tre đạt 500.000 lượt, thì đến năm 2015 đón 1.000.000 lượt, năm 2016 đón 1.153.075 lượt, năm 2017 đón 1.291.444 lượt, năm 2018 đón 1.472.000 lượt; Với lượng khách tăng đều hàng năm đạt 13/% năm đến 15%/năm so cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 700 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 1.311 tỷ; Tăng bình quân hàng năm từ 23% đến 25%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, khách du lịch đạt 1.800.000 lượt và doanh thu từ khách du lịch đạt 1.890 tỷ đồng./.
Lê Luông