(TITC) - Cao Bằng là tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, phía tây giáp Tuyên Quang và Hà Giang, phía nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía bắc và phía đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Cao Bằng có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, nguyên sinh.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: TITC/Thế Phi)
Đến với Cao Bằng là đến với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu di tích lịch sử Pắc Bó… Trong hành trình khám phá non nước Cao Bằng, chắc hẳn du khách không thể bỏ qua thành phố Cao Bằng. Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Cao Bằng, thành phố Cao Bằng có diện tích 107,6 km2, địa thế mở theo hướng Tây Bắc – Đông Nam gồm 8 phường, 3 xã, bao quanh thành phố là núi sông. Chảy trong lòng thành phố là sông Hiến, sông Mãng hợp lại thành dòng Bằng Giang chảy sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hòa). Với dân số 124.275 người (năm 2019) chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Ngái, Sán Chỉ, Sán Dìu, Kinh, Thái Mường… hội tụ nên một miền đất đa dạng văn hóa cùng lối sống, phong tục tập quán phong phú.
Thành phố Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội khoảng 280 km. Để đến với thành phố Cao Bằng, du khách đi theo hai tuyến đường quốc lộ là vượt cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tiếp nối quốc lộ 3, qua Bắc Kạn, đèo Giàng, đèo Gió, tiếp cận cửa ngõ phía tây từ con đèo Tài Hồ Sìn; hoặc ngược đường quốc lộ 1 qua Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, theo đường số 4, vượt đèo Bông Lau, đến với thành phố từ phía nam.
Thành phố Cao Bằng hiện có 12 di tích lịch sử văn hóa và công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu nhất là 5 điểm du lịch văn hóa – tâm linh với lễ hội truyền thống như chùa Đống Lân, chùa Đà Quận và đền Quan Triều, chùa Phố Cũ, đền Kỳ Sầm, đền Bà Hoàng… Trên địa bàn thành phố có khoảng 131 cơ sở lưu trú du lịch, đa số các khách sạn đều có wifi phục vụ khách lưu trú sử dụng và liên hệ trao đổi công việc.
Với vị trí trung tâm, du khách có thể đến tham quan thành phố, ghé thăm các di tích lịch sử hay đi chợ để chọn mua những thức quà quen thuộc của vùng non nước như hoa quả theo mùa hay các sản vật đặc trưng là quả lê, bí xanh, hạt dẻ, trám, lạp xường, miến… Đây cũng là nơi giúp du khách dừng chân nghỉ ngơi để khám phá tiếp những địa điểm du lịch nổi tiếng của Cao Bằng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng), Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (huyện Nguyên Bình), Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An), Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hòa)…, đồng thời thưởng thức những sản vật thơm ngon, dễ ăn như xôi trám, bánh cuốn, phở chua và món tráng miệng bánh khảo, chè lam, thạch đen…
Tin: Thu Thủy; Ảnh: Thế Phi