Quản Bạ là huyện cửa ngõ vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có vị trí chiến lược quan trọng về KT - XH, QP- AN của tỉnh Hà Giang. Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh, Quản Bạ đã có những đóng góp quan trọng và điểm nhấn về du lịch cộng đồng, tìm hiểu bản sắc văn hóa, du lịch tâm linh, mạo hiểm…
Quản Bạ phát triển sản phẩm từ sợi cây lanh, làm quà lưu niệm phục vụ du lịch
Với nhiều điểm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc như: Miếu làng Đán, Thạch Sơn Thần, đền Bình An, Cổng Trời Quản Bạ, Núi Đôi Cô Tiên, Làng Văn hóa du lịch Nặm Đăm, động Lùng Khúy, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám, Cán Tỷ, Tường thành Cán Tỷ… Từ đầu năm 2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quản Bạ vẫn thu hút trên 230.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 điểm du lịch với quy mô 20 ha, 15 nhà nghỉ, 2 khách sạn, 33 homestay; hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Quản Bạ đã có 2 địa điểm du lịch cộng đồng được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) Nặm Đăm, xã Quản Bạ và H’Mông Village, xã Đông Hà mới được vinh danh là “khách sạn xanh” ASEAN vào tháng 1.2022. Các Làng VHDLCĐ của huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN là sự khẳng định của du khách và các tổ chức quốc tế, cho thấy điều kiện của huyện rất phù hợp để phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.
Để du lịch phát triển, các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch đã xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn và phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Người dân có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng. Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ thành lập Ban Quản lý, Câu lạc bộ Homestay Nặm Đăm, thành lập 2 đội văn nghệ phục vụ du khách. Mô hình phát huy được giá trị truyền thống của đồng bào, đồng thời tạo được việc làm ổn định cho người dân địa phương nhờ những giá trị bản sắc dân tộc, kiến trúc nhà ở và cảnh quan bản làng. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 70 - 100 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Sèn Thăng Long cho biết: “Xác định việc xây dựng mô hình Làng VHDLCĐ phát huy được thế mạnh của địa phương từ văn hóa truyền thống, từ tri thức bản địa, phong tục tập quán đã tạo dựng cho các Làng VHDLCĐ của huyện một hình ảnh truyền thống riêng biệt thu hút được khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chính quyền huyện Quản Bạ tiếp tục tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đảm bảo thuận lợi cho phát triển du lịch và coi đây là một hướng phát triển kinh tế gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; tập trung xây dựng các làng văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới”.
Thông qua xây dựng các Làng VHDLCĐ trên địa bàn huyện Quản Bạ đã thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang nói chung, huyện Quản Bạ nói riêng, làm thay đổi diện mạo làng quê; đời sống người dân không ngừng được nâng cao; cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất từng bước chuyển dịch theo hướng dịch vụ. Đặc biệt hơn, các Làng VHDLCĐ đã trở thành “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: Lê Hải