Thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm cho lao động địa phương.
Để đạt mục tiêu trên Bắc Giang tập trung xây dựng và khai thác 4 sản phẩm du lịch chính gồm du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf) và du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Và phát triển 5 không gian du lịch, trong đó trú trọng phát triển du lịch tuyến Tây Yên Tử bao gồm các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.
Hiện Bắc Giang đang tập trung phát triển thương hiệu du lịch "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử" , tập trung tái hiện "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử"; phục dựng các điểm di tích "Theo dấu chân Phật hoàng". Dự kiến, con đường dài khoảng 95 km, trải dài trên 3 huyện Lục Nam, Sơn Động và Yên Dũng. Không gian của con đường từ chùa Vĩnh Nghiêm đến các điểm như chùa Hòn Tháp, đền Quan Tuần, chùa Hóa, chùa Rào, đền Bà Chúa, chùa Đám Trì, thác Giót, suối nước Vàng (Lục Nam); chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh). Đây được cho là con đường bộ hành tâm linh độc đáo nhất tại Việt Nam, góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc biệt gắn với vùng đất thiêng Tây Yên Tử. Hội thảo khoa học “Du lịch tâm linh và con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử Bắc Giang” và các hoạt động sưu tầm tư liệu lịch sử, tôn giáo, tư liệu dân gian, hiện vật… để làm rõ về con đường bộ hành của Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; tổ chức thử nghiệm các tour du lịch trải nghiệm đang được sở VHTTDL Bắc Giang tổ chức nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Yên Tử được Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra./.
Hà Yến