Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Khai thác tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật:04/08/2023 15:46:48
Là địa phương có bề dày về lịch sử, văn hóa với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có nhiều tiềm năng trong khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch. Để phát huy lợi thế này, những năm qua, công tác đầu tư phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa luôn được huyện quan tâm, tập trung triển khai.
 
Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Dương Chung
 
Tam Đảo có hệ thống di sản văn hóa vật thể, hệ thống di tích thờ Thần, thờ Phật được phân bổ ở hầu khắp các địa phương. Theo số liệu kiểm kê di tích năm 2022, toàn huyện có tổng số 124 di tích, 34 đình, 24 đền, 47 chùa, 8 miếu thờ, 2 di tích cách mạng; 1 di tích Lưu niệm Bác Hồ, 4 nhà thờ Công giáo, 3 công trình tôn giáo khác và 1 quần thể danh lam thắng cảnh.
 
Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng thu hút hàng vạn du khách mỗi năm như Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền Chân Suối, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại Bảo Tháp...
 
Những năm qua, UBND huyện Tam Đảo luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… trong công tác quản lý, tu bổ, sửa chữa các di tích văn hóa - lịch sử.
 
Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, UBND huyện đã giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý trực tiếp các di tích cấp tỉnh.
 
Các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra trường hợp mất cắp di vật, cổ vật, cháy nổ tại di tích; luôn đảm bảo công tác vệ sinh cảnh quan môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội, không có trình trạng lợi dụng di tích, lễ hội để truyền bá sấm trạng, hành nghề mê tín dị đoan.
 
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, huyện Tam Đảo đã chú trọng đẩy mạnh công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, huyện Tam Đảo đã tích cực vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử.
 
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có 2 di tích đã được cấp kinh phí tu bổ, duy tu, sửa chữa các hạng mục từ nguồn ngân sách Nhà nước là Dự án Tu sửa Đền Thỏng - Tây Thiên (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư) và Dự án Tu bổ Đình Cửu Yên (do UBND thị trấn Hợp Châu làm chủ đầu tư).
 
Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được các tổ chức, cá nhân và nhân dân có lòng hảo tâm quyên góp tiền, cung tiến nhiều đồ thờ tự có giá trị vào di tích với tổng giá trị ước tính hơn 45,8 tỉ đồng như Đền Cả (Đền Trình) tại xã Tam Quan, Đền Chân Suối tại xã Hồ Sơn, Đền Mẫu Sinh, Mẫu Hóa, Đình Ngò tại thị trấn Đại Đình, Đình Cửu Yên tại thị trấn Hợp Châu; Đền Đức Thánh Trần tại thị trấn Tam Đảo…
 
Công tác đầu tư phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện được tỉnh, huyện quan tâm, tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như Khu du lịch Tam Đảo, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên.
 
Để thúc đẩy, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ huyện Tam Đảo, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã quan tâm cho chủ trương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Tam Đảo với tổng mức đầu tư các dự án hơn 1.500 tỷ đồng cho các dự án như cải tạo, nâng cấp đường ĐH.62 đoạn nối từ ĐT.302 cầu Bồ Lý - Yên Dương đến đường Tây Thiên - Tam Sơn; dự án đường giao thông phía Bắc và phía Nam - Khu công viên cây xanh Tây Thiên, thị trấn Đại Đình…
 
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm cơ bản được hoàn thiện, các tuyến đường thường xuyên được bảo trì bằng nguồn phân bổ từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện; các tuyến đường nối từ trục thôn, xóm đến các điểm du lịch được mở rộng và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến, phát triển du lịch; hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội, du lịch, góp phần thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh... tiếp tục phát triển.
 
Việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích.
 
Thời gian tới, để tiếp tục khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa, huyện Tam Đảo sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt du lịch văn hóa tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu tiềm năng lợi thế để thu hút các công trình dự án cho phát triển du lịch của huyện, đồng thời quảng bá hình ảnh; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tập trung nguồn lực nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh, di tích lịch sử cách mạng; tu bổ kịp thời di tích bị xuống cấp; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh…
 
Thùy Linh
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn